June 21, 2007 | 10:54 GMT+7

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý mở đường cho vải thiều Thanh Hà

Trần Lê

Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà

Vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang Đức.
Vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang Đức.
Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học Công nghệ) vừa trao Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Thanh Hà.

Sự kiện này đã diễn ra ngày 8/6, tại huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Đây là kết quả sau 3 năm UBND huyện phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Hải Dương tiến hành đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm này lên Cục Sở hữu trí tuệ.

Vải thiều Thanh Hà là một trong số ít sản phẩm nổi tiếng như chè xanh Mộc Châu, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc... được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Trước đó năm 2006, Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, gồm 148 thành viên, đã bán sản phẩm có gắn nhãn mác vải thiều Thanh Hà.

Từ năm nay, cùng với chứng nhận địa lý này, tất cả nông dân trồng vải trong huyện nếu đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng sản phẩm, cũng được quyền đăng ký sử dụng và sở hữu nhãn mác nói trên.

Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cho biết huyện có 7.000 ha vải thiều, sản lượng năm 2007 là 25.000 tấn, thời vụ thu hoạch từ hạ tuần tháng tư đến trung tuần tháng năm âm lịch. Tất cả vải ở khắp nơi trong toàn quốc đều có nguồn gốc từ Thanh Hà, nhưng không có loại vải nào sánh được với chất lượng vải thiều gốc Thanh Hà.

Ngày 14/6/2007, Hiệp hội vải thiều Thanh Hà, kết hợp với một đối tác đã xuất khẩu chuyến vải thiều đầu tiên sang CHLB Đức, mở đầu cho xuất khẩu lô hàng 20-25 tấn vải thiều sơ chế, đóng gói với giá cao hơn từ 30 đến 40% giá vải cùng loại đang bán trên thị trường trong nước. Có một đầu ra khá đảm bảo là Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, lập kế hoạch thu mua 5.000 tấn vải thiều Thanh Hà.

Doanh nghiệp này vừa lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, có khả năng nâng cao công suất chế biến. Trước đây làm bằng thủ công, bóc tách, lấy cùi vải bằng tay, mỗi ngày 300-400 công nhân chỉ bóc được 20-25 tấn vải quả. Vụ 2007, lắp đặt 2 dây chuyền máy bóc vải của Đài Loan, đã nâng công suất lên 150 tấn/ngày. Dây chuyền hiện đại trị giá 15.000 USD/máy không những có công suất cao, mà vẫn giữ cho vải có hương vị tự nhiên, màu sắc đẹp, đảm bảo vệ sinh.

Vải quả được nghiền xong, đưa ngay vào kho lạnh để diệt vi khuẩn, sau 4 giờ mới đưa vào ngăn 180C, phải sau 7 ngày ủ trong kho lạnh mới đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mặt hàng chủ yếu của Công ty là nước vải PUREE xuất khẩu sang châu Âu.

Vụ vải này, Công ty mua 4.500-5.000 tấn vải quả Thanh Hà, để sản xuất 1.200 tấn nước vải PUREE và 600 tấn vải đóng hộp. Công ty lập ban định giá vải thiều, mua sát giá thị trường, buổi chiều hàng ngày công bố giá để các nhà thu mua đi gom vải về bán cho Công ty. Như vậy, năm nay, Công ty mua lượng vải thiều gấp 8 lần so với năm 2006, góp phần giải quyết khó khăn đầu ra cho vùng vải truyền thống nổi tiếng này.

Cùng thời điểm thu hoạch vải thiều, từ ngày 8 đến ngày 12/6, được sự giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu phát triển hệ thống nông nghiệp và Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ), ông Vũ Đình Bát, chủ tịch Hiệp hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, đã tham quan và giới thiệu sản phẩm quê hương mình tại Hội chợ hàng nông sản Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc.

Thật bất ngờ, sau khi được nếm thử, khách hàng Trung Quốc đã mua hết ngay 120 kg vải thiều Thanh Hà, với giá 10 Nhân dân tệ/kg (tương đương 20.000 đồng/kg), trong khi vải của Trung Quốc bày bán chỉ có giá 5-6Nhân dân tệ/kg (10.000-12.000 đồng/kg). Khách hàng Trung Quốc công nhận vải thiều Thanh Hà ngọt hơn, gai lì, cuống nhỏ hơn so với vải cùng loại. Nhiều đối tác thương mại Trung Quốc đánh giá cao chất lượng vải Thanh Hà, và có người đang mua vải ở Bắc Giang đã quay ngay về Thanh Hà để khảo sát thực tế.

Ông Hoàng Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nhận xét: “Việc vải thiều Thanh Hà được cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đã khẳng định sản phẩm có sức mạnh về kinh tế, có tính chất và chất lượng đặc thù khác hẳn với tất cả các loại vải nơi khác. Đồng thời cũng tăng giá trị tích luỹ cho thương hiệu vải thiều Thanh Hà, chứng tỏ sự phát triển của một sản vật truyền thống, bảo tồn và tôn vinh nét văn hoá vùng đồng bằng sông Hồng kết hợp với bản sắc riêng biệt của đất Thanh Hà xứ Đông. Cùng với các biện pháp tiếp thị ngoài nước, có thể tin rằng vải thiều Thanh Hà sẽ có triển vọng sáng sủa trên thị trường trong và ngoài nước”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate