October 21, 2014 | 07:30 GMT+7

Báo nước ngoài nói gì về cải thiện quan hệ Việt-Trung?

Diệp Vũ

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc đang muốn thể hiện hình ảnh một “đối tác có trách nhiệm”

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn chủ trì lễ đón đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu - Ảnh: TTXVN. <br>
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn chủ trì lễ đón đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh dẫn đầu - Ảnh: TTXVN. <br>
Nhiều tờ báo nước ngoài đã nói về chuyến thăm Trung Quốc hồi tuần trước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh, cho rằng đây là một dấu hiệu tích cực trong cải thiện quan hệ giữa hai nước.

“Trung Quốc và Việt Nam đã nhất trí nối lại quan hệ quân sự và xử lý tốt hơn các tranh chấp trên biển. Đây là những tín hiệu đầu tiên cho thấy căng thẳng trong vấn đề tuyên bố chủ quyền lãnh thổ có thể giảm xuống”, hãng thông tấn AP viết.

Hãng tin này dẫn lời Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trong chuyến thăm Trung Quốc đăng trên tờ Quân đội Nhân dân rằng, việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp và ổn định giữa hai nước để giải quyết tranh chấp là “vô cùng cần thiết”.

Bên cạnh đó, AP cũng dẫn lời Phó chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều trong cuộc gặp với ông Phùng Quang Thanh tại Bắc Kinh hôm thứ Sáu. Phó chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi hai nước tăng cường sự tin tưởng về chính trị và giải quyết tranh chấp trên biển.

Theo Tân Hoa Xã, trong chuyến thăm này, Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng gặp người đồng cấp Trung Quốc, ông Thường Vạn Toàn, và cả hai bên đã quyết định sẽ nối lại mối quan hệ quân sự và “đóng vai trò tích cực” trong giải quyết tranh chấp.

AP cũng đề cập tới cuộc gặp giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm thứ Năm tuần trước bên lề hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) ở Milan, Italy. Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo nhất trí sẽ giải quyết tích cực các khác biệt trên biển và duy trì mối quan hệ song phương đi đúng hướng.

Trước chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, tờ The Diplomat cũng có một bài viết phân tích về tầm quan trọng của chuyến thăm này. “Thành phần của đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam [tới thăm Trung Quốc] phản ánh mong muốn của Việt Nam rằng hai bên nên kiềm chế và kiểm soát chặt chẽ lực lượng của mình, nhằm tránh để các sự kiện vượt khỏi tầm kiểm soát”, bài báo viết.

Theo tờ tạp chí này, các cuộc thảo luận song phương cấp cao giữa quân đội hai nước hiện nay là quan trọng vì cho thấy, cả Trung Quốc và Việt Nam đều hiểu rằng, bất kỳ sự cố hay tính toán sai lầm nào của lực lượng vũ trang đều có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

“Cả hai bên đều muốn đạt tới sự hiểu biết về làm thế nào để phản ứng trước các sự kiện mà tránh được sự leo thang”, bài báo nhận xét.

Viết về chuyến thăm của Bộ trưởng Phùng Quang Thanh, tờ Wall Street Journal dẫn một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm thứ Bảy nhắc lại lời Bộ trưởng phát biểu khi gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Nguyên Triều rằng, hai nước, đặc biệt là quân đội hai nước, cần tiếp tục hợp tác, duy trì quan hệ tốt đẹp, ổn định và giải quyết tranh chấp.

Báo Wall Street Journal cũng đề cập tới việc Việt Nam và Trung Quốc nhất trí thành lập một đường dây nóng giữa hai Bộ Quốc phòng để giúp giải quyết tranh chấp. Cũng theo báo này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhận định tích cực về chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày của ông Phùng Quang Thanh.

Báo này dẫn thông tin từ Tân Hoa Xã nói, trong cuộc gặp hôm thứ Bảy, tướng Phạm Trường Long, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, kêu gọi “nguồn năng lượng tích cực” giữa hai quân đội.

“Không ai bỏ được láng giềng. Cùng tồn tại trong tình bằng hữu, giải quyết tốt tranh chấp, và thúc đẩy phát triển chung là lợi ích của cả Trung Quốc và Việt Nam”, Tân Hoa Xã dẫn lời tướng Fan.

Wall Street Journal nhấn mạnh, bầu không khí quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được cải thiện trong bối cảnh hai hội nghị thượng đỉnh khu vực diễn ra vào tháng tới. Đó là hội nghị Diễn đàn Hợp tác Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) dự kiến diễn ra ở Bắc Kinh, và hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến diễn ra ở Myanmar.

Theo một số nhà phân tích, Trung Quốc đang muốn thể hiện hình ảnh một “đối tác có trách nhiệm” tại các cuộc hội nghị này và cũng không muốn đặt mình vào thế bị các nước khác cáo buộc “bắt nạt” láng giềng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate