Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13h, trưa nay (14/10), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 5, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 250km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10 hướng vào Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Từ chiều tối nay, vùng đất liền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9.
Dự báo, tới 01h ngày 15/10, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 15km/h, trên vùng biển các tỉnh Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Tới 13h ngày 16/10, tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.
Ảnh hưởng của bão số 5, vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động rất mạnh. Từ chiều tối nay, khu vực đất liền ven biển các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định có khả năng chịu ảnh hưởng của gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, cần đề phòng nước dâng cao 0,2-0,4m, kết hợp với triều cường và sóng lớn gây ngập úng vùng trũng, thấp, sạt lở bờ biển.
Tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính tính từ đêm ngày 13/10 đến hết ngày 16/10: Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai 150-200mm, có nơi trên 250mm; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 400-500mm, có nơi trên 700mm; Quảng Ngãi 300-400mm, có nơi trên 500mm; Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 70-150mm, có nơi trên 200mm.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, cho biết, diễn biến mưa 24 giờ qua tại Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa 18 giờ qua (từ 19h ngày 13 đến 13h ngày 14/10) phổ biến 40-90mm, có nơi cao hơn như Suối Đá (Đà Nẵng)107.8mm.
Theo quan sát của phóng viên, đến 17 h ngày 14/10, nhiều tuyến đường ở Đà Nẵng đã xuất hiện tình trạng ngập cục bộ, một số tuyến đường ngập sâu như đoạn giao lộ đường Lê Duẩn - Hoàng Hoa Thám, Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm ngập sâu từ 40-50 cm. Các tuyến đường phố khác như Hoàng Diệu, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Thụ, Cô Giang cũng bị ngập khá nặng.
Dự báo diễn biến trong 24 giờ đến 48 giờ tới, tại thành phố Đà Nẵng có mưa to, mưa rất to và dông. Huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ 200-400mm, có nơi trên 450mm. Quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn 200-350mm, có nơi trên 400mm. Quận Liên Chiểu, Thanh Khê và Hải Châu 150-350mm, có nơi trên 400mm. Huyện đảo Hoàng Sa 100-200, có nơi trên 250mm. Do mưa lớn xảy ra trên diện rộng và kéo dài nhiều ngày nên cần đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập úng ở vùng thấp trũng. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn: Cấp 2-3.
Tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, lượng mưa các trạm từ 20h ngày 13/10 đến 13h ngày 14/10 trung bình từ 50-100mm, có nơi cao hơn như Thủy Yên 158mm, Lăng Cô 120mm. Mực nước sông Hương tại Kim Long: +1,82m dưới báo động II là 0,18m; sông Bồ tại trạm Phú Ốc lúc: +3,23m, trên báo động II là 0,23m. Dự báo mực nước các sông Hương, Sông Bồ vào tối ngày hôm nay (14/10) đạt, trên báo động 3.
Các tuyến đường liên xã các xã Quảng Thành, Quảng Thọ, Quảng An (huyện Quảng Điền) bị ngập lụt, chia cắt. Tràn Thủ Lễ thuộc tuyến đường tỉnh lộ 4 bị ngập sâu không đi lại được. Tại huyện Phong Điền: Tuyến đường liên thôn tại Phú Lộc, Ma Nê thuộc xã Phong Chương; Khu tái định cư Tân Bình xã Phong Bình đã bị ngập 20 đến 30cm với chiều dài hơn 100m.
Mực nước, lưu lương các hồ chứa trên sông Hương lúc 13h ngày 14/10: Hồ thủy điện Hương Điền: +52,80, lưu lượng đến hồ 591m3/s, lưu lượng xả về hạ du 1.110m3/s. Hồ Tả Trạch: +35,15m, Lưu lượng đến hồ 463m3/s, lưu lượng về hạ du 644m3/s. Hồ thủy điện Bình Điền: 76,44m, Lưu lượng đến hồ 518 m3/s, lưu lượng về hạ du 822m3/s.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã chỉ đạo các chủ đập vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường bảo đảm an toàn công trình và góp phần giảm lũ cho vùng hạ du; Hiện nay các hồ thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có phương án di di dời dân tại các khu vực sạt lở đất theo các kịch bản, phương án đã xây dựng: Bắt đầu từ 14h kết thúc trước 17h ngày 14/10/2022; Triển khai di dời dân các khu vực Phú Lộc, Nam Đông do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, theo các kịch bản, phương án (dự lệnh): Bắt đầu từ 17h kết thúc trước 19h ngày 14/10/2022; Di dời dân các khu vực ngập lụt, hạ du sông Bồ, sông Hương: từ 14h kết thúc trước 16h ngày 14/10/2022. Các sông khác tùy vào tình hình mưa lũ để chủ động sơ tán dân đảm bảo an toàn.
Trên cơ sở phương án đã lập, căn cứ diễn biến về tình hình mưa lũ, bão, các địa phương theo dõi sát diễn biến thiên tai để quyết định thời gian sơ tán sớm hơn theo dự kiến và ưu tiên triển khai sơ tán các đối tượng dễ bị tổn thương trước: Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, trẻ em, người cao tuổi, để chủ động sơ tán đến nơi an toàn.Tại tỉnh Quảng Ngãi trong ngày hôm nay (14/10) đã có mưa to đến rất to. Lượng mưa (tính từ 07h - 15h ngày 14/10) phổ biến 35 - 65mm, riêng Dung Quất 103.2mm, Trà Hiệp (Trà Bồng) 107.2mm. Dự báo diễn biến mưa lớn từ chiều tối nay (14/10) đến chiều tối ngày 16/10; khu vực tỉnh Quảng Ngãi có mưa to đến rất to và có nơi có dông; trong cơn dông đề phòng có lốc, sét và gió giật mạnh; với tổng lượng mưa phổ biến 150 - 300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt.
Mưa lớn có khả năng gây ra lũ trên các sông trong tỉnh, lũ ống, lũ quét sạt lở, trượt lở đất ở ven các sông suối nhỏ và các huyện miền núi như Trà Bồng, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long; nguy cơ gây ra ngập lụt trên diện rộng ở các vùng trũng, thấp, ven sông và các đô thị tại các địa phương thuộc huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Mộ Đức, Thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.