Vì thiếu kinh phí mà sửa luật? Câu hỏi này được Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng đặt ra khi thảo luận về nội dung điều 18 tại dự án luật này.
Dự định sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới đây, chiều 17/4, dự án luật này được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lần đầu, tại phiên họp thứ 19.
“Kiểm kê” thay “lập hồ sơ”
Nhất trí cao với sự cần thiết phải ban hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa. Bởi sau bảy năm đi vào cuộc sống, luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, các vị ủy viên Thường vụ Quốc hội còn “rất băn khoăn” trước một số vấn đề cụ thể, trong đó có việc sửa đổi quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc "tổ chức lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương" thành quy định về việc "tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở địa phương" tại điều 18.
Lý do được Chính phủ đưa ra : “Đây là công việc phức tạp, đòi hỏi cán bộ có chuyên môn cao và phải chi phí tương đối lớn, nên đến nay chưa có địa phương nào triển khai được”. Do đó, cần quy định lại để có tính khả thi.
Báo cáo đánh giá tác động của dự luật, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng cho rằng việc kiểm kê sẽ góp phần giảm bớt chi phí, vốn còn đang rất thấp.
Đại biểu Trần Thế Vượng đề nghị cân nhắc xem có nên sửa điều này hay không. “Tiền và cán bộ là lý do thì không thể chấp nhận được, phải có hồ sơ khoa học thì mới bảo vệ và phát huy được văn hóa phi vật thể chứ, chỉ ghi vào sổ là Bắc Ninh có quan họ thì làm sao bảo vệ được?”, ông nói.
Theo ông, thay vì sửa luật thì phải bàn giải pháp về con người và kinh phí, logic của luật này là muốn bảo vệ di sản thì phải có hồ sơ.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ vẫn kiên trì “ mong các đại biểu hết sức chia sẻ” vì “giao cho UBND các tỉnh kiểm kê thì được chứ lập hồ sơ thì không thực tế”.
Từ “nguyên trạng” thành “nghiêm ngặt”
Việc sửa đổi một quy định mang tính định lượng (nguyên trạng) thành định tính (nghiêm ngặt) tại khu vực bảo vệ 1 (gồm di tích và vùng được xác định là yếu tố gốc cấu thành di tích) như ở điều 32 của dự luật không nhận được sự đồng thuận cao của một số đại biểu.
Theo thuyết minh của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thay bằng “bảo vệ nghiêm ngặt” thì chính xác hơn. Bởi trước đây, do quy định “bảo vệ nguyên trạng” nên đã có quan niệm cứng nhắc rằng: bảo vệ nguyên trạng thì phải giữ nguyên, không được làm gì; theo đó, tu bổ di tích cũng là làm mất đi nguyên trạng.
Hơn một lần, Chủ nhiêm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt câu hỏi: vì sao phải sửa điều 32, căn cứ vào đâu, cách sửa điều 32 thế này chưa yên tâm? Băn khoăn này cũng được một số đại biểu khác chia sẻ.
Cũng liên quan đến việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích, thay vì “phải bảo đảm giữ gìn tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích” như luật hiện hành, Ban soạn thảo dự luật đề nghị sửa thành “phải giữ gìn tối đa các yếu tố gốc cấu thành di tích”.
Có ý kiến cho rằng nếu sửa điều này là sai, vì quy định như luật hiện hành là tốt, là rất chặt chẽ. Đã là di tích thì phải nguyên gốc. Không thể thấy khó mà sửa, không cần thiết sửa điều này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh Lê Quang Bình cũng tán thành phải đảm bảo giữ gìn tối đa yếu tố nguyên gốc của di tích. Đồng thời quy định tiêu chí tu bổ, phục hồi.
Đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách phân tích, sự thiếu hiểu biết cộng với nhiệt tình thái quá cũng hủy hoại rất nhiều di sản văn hóa.
Ông cho rằng đầu tư của Nhà nước trong bảo vệ di sản văn hóa còn chưa tương xứng và đó là khiếm khuyết. Việc nặng về xã hội hóa cũng có mặt trái làm biến thiên di tích theo ý định của "người có tiền".
Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể, quy định về di vật, cổ vật, bảo vật Quốc gia, xếp hạng di tích, bảo tàng… là một số nội dung cơ quan thẩm tra - Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - đề nghị tiếp tục sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đề nghị “khuôn lại những vấn đề trong tờ trình, còn những vấn đề đại biểu nêu cho phép thể hiện trong nghị định”.