Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu không chỉ đơn thuần là thông tin mà còn được xem như tài sản quý giá của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Từ thông tin khách hàng, dữ liệu kinh doanh cho đến các kế hoạch chiến lược, tất cả đều có thể chuyển đổi thành giá trị kinh tế.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ cũng đồng nghĩa với việc rủi ro về an toàn dữ liệu ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong bối cảnh các doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế về ngân sách và kiến thức để đảm bảo an ninh mạng.
HÀNG LOẠT NGUY CƠ GÂY MẤT MÁT DỮ LIỆU CHO CÁC DOANH NGHIỆP
Tại Hội thảo chuyên đề “Rủi ro mất dữ liệu doanh nghiệp và cách phòng ngừa” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với VINEXAD tổ chức chiều ngày 22/5, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa, thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh rằng dữ liệu đóng vai trò then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp.
Theo bà Hạnh, dữ liệu không chỉ là thông tin về khách hàng, đối tác, nhân viên, sản phẩm, thị trường và dịch vụ, mà còn là nền tảng để doanh nghiệp phân tích và hiểu rõ hơn về thị trường. Qua đó, doanh nghiệp có thể đưa ra các quyết định sáng suốt về sản phẩm và chiến lược, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Dữ liệu còn giúp tự động hóa quy trình, giảm thiểu sai sót và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh.
“Mất mát dữ liệu mang lại hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp, bao gồm chi phí phục hồi, tổn thất doanh thu và uy tín với khách hàng. Theo thống kê, năm 2022, Việt Nam đã ghi nhận hơn 17.000 vụ tấn công mạng, tăng 25% so với năm 2021. Thời đại công nghệ số chứng kiến sự gia tăng không ngừng của các cuộc tấn công từ hacker, đặt doanh nghiệp vào tình thế phải đối mặt với nhiều rủi ro về an toàn dữ liệu”, bà Hạnh cho biết.
Chuyên gia Phan Văn Sáng, người đã có hơn 15 năm kinh nghiệm tư vấn cho hơn 50 tập đoàn, doanh nghiệp vừa và nhỏ về công nghệ thông tin, bảo mật dữ liệu, cho biết có rất nhiều rủi ro khiến doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ mất mát dữ liệu. Theo đó, bất kỳ dữ liệu nào của cá nhân tổ chức, doanh nghiệp “đều là tiền”. Chính vì vậy, dữ liệu cũng là mục tiêu của tội phạm mạng.
Nhiều rủi ro mất mát dữ liệu đã được ông Sáng đưa ra, từ rủi ro phần cứng do những tình huống như ổ cứng có thể bị hỏng bất cứ lúc nào, gây mất mát dữ liệu quan trọng nếu không có biện pháp sao lưu kịp thời, đến việc sử dụng máy tính không bảo mật. “Nhiều doanh nghiệp của Việt Nam không có các biện pháp bảo mật hiệu quả cho máy tính của nhân viên, tạo ra lỗ hổng cho hacker thâm nhập vào hệ thống”, ông Phan Văn Sáng nói.
Bên cạnh đó, rủi ro khi sử dụng Wi-Fi chung cũng không thể xem nhẹ. Sử dụng Wi-Fi công cộng có thể dẫn đến việc bị đánh cắp dữ liệu do các mạng này thường không được bảo mật tốt. Thậm chí, những sai sót như người dùng bấm nhầm tổ hợp phím Shift + Delete cũng có thể xóa hoàn toàn dữ liệu trên máy tính và rất khó khôi phục, gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Đặc biệt, một vấn đề được ông Sáng nêu ra, chính là ngân sách hạn chế dành cho an ninh mạng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. “Ở nhiều nước phát triển, ngân sách cho an ninh mạng được lập ra ngay từ khi doanh nghiệp thành lập. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phần lớn các doanh nghiệp vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc này, cũng như thiếu về nguồn lực tài chính, nên các doanh nghiệp còn thiếu đầu tư cho các biện pháp bảo mật”.
Những nguyên nhân nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến mất mát dữ liệu mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt lầ nguy cơ bị tấn công từ các hacker hoặc gián điệp kinh tế, đánh cắp thông tin hoặc phá hoại hệ thống. Để đối phó với các nguy cơ này, các doanh nghiệp cần có những biện pháp phòng chống hiệu quả và toàn diện.
NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VÀ ĐẦU TƯ HỢP LÝ CHO CÁC BIỆN PHÁP BẢO VỆ DỮ LIỆU
Theo ông Sáng, một trong những biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ dữ liệu là sao lưu thường xuyên. Theo nguyên tắc 3-2-1, doanh nghiệp nên có ít nhất 3 bản sao lưu dữ liệu, lưu trữ trên 2 thiết bị khác nhau và 1 bản sao lưu ngoài công ty. Điều này đảm bảo rằng nếu có sự cố xảy ra, dữ liệu vẫn có thể được khôi phục.
Bên cạnh đó, việc phòng chống virus và cập nhật phần mềm thường xuyên rất cần thiết. Các doanh nghiệp nên cài đặt phần mềm chống virus cho tất cả các thiết bị và đảm bảo các phần mềm luôn được cập nhật bản vá lỗi mới nhất để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.
Việc quản lý lỗ hổng bảo mật trong hệ thống cũng là yếu tố quan trọng. Doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm tra và quản lý các lỗ hổng, bao gồm việc kiểm tra các phần mềm đã cài đặt trên máy tính để phát hiện và khắc phục kịp thời. Theo dõi tình trạng sức khỏe của ổ cứng là một biện pháp hiệu quả để phát hiện sớm các dấu hiệu hỏng hóc và thay thế kịp thời.
Để đảm bảo chỉ những người có thẩm quyền mới được truy cập vào các dữ liệu quan trọng, doanh nghiệp cần phân quyền truy cập dữ liệu một cách rõ ràng và sử dụng hệ thống xác thực đa bước để tăng cường bảo mật. An toàn hệ thống mạng cũng cần được chú trọng, bao gồm việc thiết lập và duy trì các biện pháp bảo mật mạng như sử dụng tường lửa, mã hóa dữ liệu và VPN để bảo vệ dữ liệu khi truyền tải qua mạng.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, dữ liệu là tài sản vô giá nhưng cũng là mục tiêu của nhiều rủi ro an ninh. Do đó, việc nhận thức đúng đắn và đầu tư hợp lý cho các biện pháp bảo vệ dữ liệu trở nên vô cùng cần thiết.Theo ông Phan Văn Sáng, các doanh nghiệp cần áp dụng các giải pháp phòng chống toàn diện từ sao lưu dữ liệu, cập nhật phần mềm, quản lý lỗ hổng đến việc thiết lập các biện pháp bảo mật mạng để đảm bảo an toàn cho tài sản quan trọng này. Việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ dữ liệu một cách hiệu quả.
Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cho rằng để phòng ngừa mất mát dữ liệu, việc xây dựng các biện pháp bảo vệ hiệu quả là vô cùng cần thiết. Doanh nghiệp cần đầu tư vào hệ thống an ninh mạng, thực hiện sao lưu dữ liệu thường xuyên và cập nhật phần mềm bảo mật để giảm thiểu nguy cơ bị tấn công.
“Nhận thức rõ ràng về vai trò của dữ liệu và các biện pháp bảo vệ sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ bảo vệ tài sản quý giá mà còn duy trì sự ổn định và phát triển bền vững trong thời đại công nghệ số”, bà Nguyễn Thị Hạnh khẳng định.