Sự phát triển nhanh chóng về cả số lượng và hình thức tiếp cận của các sản phẩm và dịch vụ tài chính tại Việt Nam trong những năm gần đây khiến nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng tài chính trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Việc này đòi hỏi sự chung tay của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính cũng như các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có tổ chức bảo hiểm tiền gửi.
Tại Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là tổ chức bảo hiểm tiền gửi duy nhất, được thành lập vào năm 1999 với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Các hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bao gồm giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ, tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả tiền gửi được bảo hiểm, tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi... Qua hơn 20 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người gửi tiền thông qua hai hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Người gửi tiền sẽ được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ trực tiếp trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị dừng hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Khi đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền với hạn mức tối đa là 75 triệu đồng, số tiền gửi vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng bị đổ vỡ.
Hiện nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 125 triệu đồng cho một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Với hạn mức này, khoảng 90,72% người gửi tiền sẽ được bảo hiểm toàn bộ, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Từ khi thành lập đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả tiền bảo hiểm và tham gia Hội đồng thanh lý tài sản cho 39 trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị đổ vỡ với tổng số tiền 26,78 tỷ đồng, tổng số người được chi trả bảo hiểm là 1.793 người. Những năm gần đây, tuy không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhưng Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam luôn nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp chi trả mới nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế thông qua việc áp dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin.
Bên cạnh đó, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam gián tiếp bảo vệ người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ khác như kiểm tra, giám sát định kỳ tháng, quý, năm đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cảnh báo rủi ro cũng như xử lý kịp thời những vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, bao gồm các nhiệm vụ: cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô; tham gia xây dựng phương án tái cơ cấu Quỹ tín dụng nhân dân; tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi giúp người gửi tiền hiểu hơn về chính sách bảo vệ mình và có lựa chọn đúng đắn trong việc lựa chọn tổ chức tín dụng để gửi tiền. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi thông qua nhiều hình thức và phương tiện truyền thông, đặc biệt nhắm đến đối tượng là người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin … để góp phần nâng cao hiểu biết tài chính tại Việt Nam.
Sau hơn 20 năm hoạt động, có thể nói Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thể hiện vai trò là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh và mạnh của hệ thống ngân hàng với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường, cùng với đó là xu hướng áp dụng các sản phẩm mang tính công nghệ cao đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Do vậy, trong ngắn hạn, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần nghiên cứu tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm. Nâng cao nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi, nhất là với những đối tượng yếu thế trong xã hội và có ít hiểu biết về mặt tài chính như người già, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu vùng xa...
Trong trung và dài hạn, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cần nghiên cứu để áp dụng các nguyên tắc về bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm nâng cao hiệu lực bảo vệ người gửi tiền của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.