Phát biểu tại lễ phát động ngày 11/3, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết ngày 10/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1035/QĐ-TTg về việc lấy ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam.
Năm 2021 dù đại dịch Covid-19 kéo dài, gây ra nhiều khó khăn cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vẫn đạt hiệu quả tốt, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.
Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 tại Bộ Công Thương đã được kết nối với trên 50% số tỉnh, thành phố để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng nghìn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của người tiêu dùng trên cả nước.
Cùng với đó, hàng trăm ngàn người tiêu dùng đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ các hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử…
Đặc biệt, ông Sinh nhấn mạnh, sau hơn 10 năm thực thi, Bộ Công Thương được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố thực hiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Dự án Luật dự kiến sẽ được đưa ra trình Quốc hội xem xét thảo luận tại Phiên họp tháng 10 năm 2022.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Trong đó, đáng lưu ý là các vấn đề liên quan đến tăng cường nguồn lực, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho cơ quan, tổ chức, cơ chế thực thi, phát huy sự chủ động của người tiêu dùng, khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp cũng như hội nhập quốc tế.
Năm 2022 Bộ Công Thương lựa chọn chủ đề cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2022 là "Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới” nhằm khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền an toàn cho người tiêu dùng trong các giao dịch trên thị trường.
“Đây còn là sự kêu gọi các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, một chính phủ kiến tạo, một môi trường kinh doanh – tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới.”, ông Tân nhấn mạnh.
Là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh, trong thời gian tới thành phố tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để triển khai Chương trình.
Lãnh đạo Thành phố Hà Nội yêu cầu các sở ngành, địa phương… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, tư vấn, hỗ trợ, giải đáp cho người tiêu dùng về Luật bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao ý thức chấp hành của người dân, doanh nghiệp… nhằm xây dựng văn hoá tiêu dùng lành mạnh… Đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, nhất là trên môi trường mạng.
Trong khuôn khổ lễ phát động các doanh nghiệp như Masan, Tập đoàn TH, Shopee, Công ty Cổ phần Mastertran, Công ty TNHH Long Thuận (Bình Dương), Công ty Cổ phần quốc tế Bảo Hưng (Thái Bình) đã ký cam kết nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng; tăng cường hiệu quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng cũng như thực hiện có hiệu quả hoạt động tri ân, chăm sóc người tiêu dùng trong bối cảnh tình hình mới…