Đầu tháng 7/2022, giá xăng dầu trong nước “hạ sốt” lần đầu tiên sau suốt 7 lần tăng liên tiếp, thỏa lòng mong ngóng, chờ đợi của người tiêu dùng. Nối tiếp đà giảm giá trong kỳ điều hành ngày 1/8, xăng dầu tiếp tục giảm lần thứ thứ 4 liên tiếp trong vòng 1 tháng.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê, giá dịch vụ giao thông công cộng vẫn tăng 2,16% trong tháng xăng dầu giảm sâu. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 2,64%, đường bộ tăng 2,73%, taxi tăng 1,22%, đường sắt tăng 0,32%, xe buýt tăng 2,29%.
VÌ ĐÂU CƯỚC VẬN TẢI ĐIỀU CHỈNH CHẬM?
Giữa tháng 3/2022, để thích ứng với những biến động về giá xăng dầu và giá tiêu dùng, Grab là hãng xe công nghệ đầu tiên thông báo tăng giá cước để bù đắp một phần chi phí vận hành của đối tác tài xế. Theo đó, giá GrabCar thông báo tăng từ 20.000 đồng lên 29.000 đồng/2km đầu tiên với xe 4 chỗ, các kilomet tiếp theo tăng từ 9.000 đồng lên 10.000 đồng.
Hiện tại dù giá xăng dầu giảm sâu, giá cước tối thiểu 2km đầu tiên vẫn “neo” ở 29.000 đồng cùng loạt “ma trận” phụ phí vẫn bủa vây người dùng như phí thay đổi lộ trình, phụ phí ban đêm... Ngày 11/7 vừa qua, giá cước tối thiểu của GrabTaxi cũng được điều chỉnh, với mức 1,4km đầu tiên và giá cước mỗi kilomet tiếp theo đến dưới 30km ở mức 15.000 đồng, áp dụng cho cả xe taxi 4 chỗ và xe taxi 7 chỗ.
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang, một trong những yếu tố cấu thành giá cước vận tải là giá nhiên liệu. Do đó, khi giá nhiên liệu tăng làm cho giá cước vận tải tăng để bù đắp chi phí là điều dễ hiểu.
Chẳng hạn, đường bộ là lĩnh vực nhạy cảm nhất với biến động giá nhiên liệu. Theo thống kê, có đến 80-90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định kê khai điều chỉnh tăng giá cước từ 10-15%, vận tải hàng hóa tăng từ 7-10%, bù đắp cho chi phí về xăng dầu. Còn đối với vận tải hành khách công cộng ở đô thị do có trợ giá nên giá không tăng.
Để bù đắp cho mức tăng của giá nhiên liệu, giá dịch vụ vận tải đường thủy nội địa tăng khoảng 10% so với cùng kỳ…
Chi phí vận tải hiện chiếm tới 30-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành giá dịch vụ vận tải tùy từng phương thức. Tuy nhiên, điều đáng mừng là theo dự báo của Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, giá dầu chỉ có thể “neo” quanh mức 100 USD/thùng như hiện nay, hoặc không giảm mạnh chứ khó có thể hỗ trợ tăng giá. Cùng với đó, các nhà đầu tư đang theo dõi sự gia tăng căng thẳng Mỹ - Trung, những rủi ro địa chính trị tiềm tàng có thể làm giảm nhu cầu đầu tư với loại tài sản rủi ro như dầu thô.
Do đó, các ý kiến cho rằng nếu giá xăng dầu tiếp đà trượt dốc nhưng giá cước vận tải vẫn “điềm nhiên” giữ giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhân dân, đặc biệt là trong giai đoạn cả nước đang nỗ lực phục hồi kinh tế sau hai năm đại dịch vừa qua.
Lý giải về tình trạng giá xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá dịch vụ vận tải không hề suy chuyển, thậm chí còn đang có dấu hiệu tăng, tại tọa đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm – Thực trạng và giải pháp” vừa qua, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông vận tải), cho biết có 3 yếu tố tác động.
Thứ nhất, có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải hay giá thành dịch vụ nói chung. Vì vậy, khi có một yếu tố biến động, đơn vị kinh doanh mất thời gian tính toán lại chi phí.
Thứ hai, các đơn vị cũng phải nghe ngóng các yếu tố khác như tâm lý khách hàng, động thái của đối thủ cạnh tranh.
Thứ ba, với vận tải đường bộ, chẳng hạn như taxi, sẽ phải thực hiện kê khai giá với Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành, sau đó, điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá. Doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh cũng không thể điều chỉnh ngay giá vé bởi thủ tục xét duyệt phức tạp, in lại vé, đổi vé cũ cũng gây tốn kém.
Dù vậy, “khi nhiên liệu, một yếu tố chiếm đến 30-40% chi phí cấu thành đã giảm sâu nhưng các đơn vị chưa kịp giảm hoặc là giảm chậm là không đúng”, Vụ trưởng Vụ Vận tải nêu quan điểm.
SẼ ÁP CHẾ TÀI MẠNH
Theo ông Trần Bảo Ngọc, Luật Giá hiện hành quy định giá dịch vụ vận tải được quản lý dựa trên quy luật của thị trường. Nhà nước rất tôn trọng quyền tự định giá và cạnh tranh giá của các đơn vị kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, “các đơn vị kinh doanh vận tải cũng phải thực hiện đầy đủ quy định trong công tác quản lý giá như thực hiện kê khai giá. Hoặc đối với những lĩnh vực Nhà nước có quy định khung giá, không được tăng giá vượt khung. Điều quan trọng hơn, sau khi kê khai giá, doanh nghiệp phải thực hiện niêm yết giá đầy đủ và phải bán theo đúng giá kê khai đã niêm yết”, ông Ngọc nêu rõ.
Để có thể giảm giá cước vận tải theo đà giảm giá xăng, ông Ngọc khẳng định biện pháp mạnh hiện nay là tăng cường công tác thanh, kiểm tra.
“Khi thanh, kiểm tra phát hiện có vi phạm, sẽ áp dụng chế tài mạnh như xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải”, ông Ngọc nhấn mạnh.
"Sau khi thanh, kiểm tra, những đơn vị chỉ tăng mà không giảm giá cước, hay giá cước không phù hợp với tình hình nhiên liệu xăng dầu giảm, trong lĩnh vực đường bộ còn bổ sung hình phạt như doanh nghiệp phải trả lại tiền cho hành khách, thậm chí, các đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu kinh doanh vận tải", ông Ngọc nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia Vũ Vinh Phú góp ý thêm về chính sách cải cách hành chính trong lĩnh vực vận tải.
Theo ông Phú, chi phí thủ tục hành chính quá cao, đương nhiên doanh nghiệp tính luôn vào giá thành. Vì vậy, “phải cải tiến các thủ tục hành chính trong kê khai giá, thuận lợi trong chuẩn bị hồ sơ, khi đó sẽ nhanh chóng đáp ứng mong mỏi của người tiêu dùng, đồng thời tạo thuận lợi cho các đơn vị vận tải”, vị chuyên gia này đề nghị.
Ghi nhận ý kiến trên, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho hay, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiến hành rà soát tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý giá để phối hợp với Bộ Tài chính ban hành những văn bản phù hợp.
Bên cạnh đó, “Bộ Giao thông vận tải rà soát kỹ các điều kiện kinh doanh, đặc biệt các điều kiện kinh doanh vận tải. Điều kiện nào không cần thiết, không phù hợp thì cắt giảm để tiết giảm chi phí cho các đơn vị kinh doanh vận tải cũng như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp”, ông Ngọc bổ sung thêm.
Đặc biệt, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg ngày 31/7/2022, Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản chỉ đạo tất cả các đơn vị phải nghiên cứu và thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa ra trong công điện.
Theo đó, các Sở Giao thông vận tải khẩn trương tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố lập các đoàn thanh, kiểm tra, rà soát các yếu tố hình thành giá trong các bảng kê khai vận tải đường bộ và các lĩnh vực liên quan; đồng thời, yêu cầu niêm yết giá và thực hiện đúng theo quy định niêm yết.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cũng cần phối hợp, nắm bắt tình hình liên quan đến các công trình giao thông trọng điểm, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên quyết không làm chậm tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia.
"Khi tham mưu với Bộ Giao thông vận tải, Vụ Vận tải đặc biệt chú trọng giải pháp cốt lõi về đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Trong vận tải, nếu cung phương tiện ít nhưng nhu cầu vận tải lớn, dù ra sức kêu gọi và áp dụng mệnh lệnh hành chính cũng chỉ đem lại tác dụng nhất định. Quan trọng là cung đủ cầu, lúc đó, thị trường tự điều tiết.
Khi có yếu tố thống lĩnh thị trường hoặc độc quyền từ phía đơn vị kinh doanh thì cần phải có chế tài, biện pháp quản lý giá mạnh hơn như quy định khung giá để bảo vệ được người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp. Chẳng hạn, quy định về mức giá sàn trong trường hợp có nhiều người bán nhưng chỉ có một người mua - độc quyền mua thì phải có giá sàn. Ngược lại, có ít người bán nhưng có nhiều người mua thì độc quyền bán, phải áp dụng giá trần.
Trong các trường hợp không có yếu tố thống lĩnh thị trường, phải áp dụng tốt Luật Giá và Luật Cạnh tranh, cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm”.