Các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản đang mòn mỏi chờ đợi sửa đổi một số nội dung tại Thông tư 45/2017/TT-BTC quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản và Thông tư 48/2017/TT-BTC quy định chế độ tài chính trong đấu giá tài sản. Bởi trong gần 3 năm qua, không ít lần doanh nghiệp bán đấu giá tài sản đã lên tiếng về những bất cập của 2 Thông tư này.
Sau gần 3 năm được ban hành với mục đích đưa ra khung khổ rõ ràng để hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đấu giá, người dân, doanh nghiệp hay tổ chức có tài sản đấu giá thực hiện đấu giá theo đúng tinh thần của pháp luật, các quy định trong Thông tư 45 và Thông tư 48 đã bộc lộ những bất cập.
QUY ĐỊNH BẤT HỢP LÝ
Bà Đỗ Thị Hồng Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bán đấu giá Lạc Việt cho biết, theo quy định hiện hành của Thông tư 48, tiền bán hồ sơ cho khách hàng tham gia đấu giá thuộc về người có tài sản. Trong khi đó, toàn bộ chi phí công khai, niêm yết, in ấn, phát hành các tài liệu, hồ sơ mời tham gia đấu giá đều do tổ chức đấu giá tài sản chi trả.
"Do đó, càng đông khách hàng tham gia đấu giá sẽ càng thêm gánh nặng cho tổ chức thực hiện đấu giá bởi số lượng hồ sơ phát hành càng nhiều sẽ kéo theo chi phí in ấn hồ sơ, chi phí thuê địa điểm đấu giá, chi phí thuê nhân công phục vụ phiên đấu giá đồng loạt tăng lên. Trong nhiều trường hợp, tiền thù lao dịch vụ không đủ để chi trả cho các chi phí liên quan đến việc chuẩn bị và tổ chức bán hồ sơ tham gia đấu giá", bà Hạnh nói.
Thậm chí, theo ông Lê Anh Linh, Đấu giá viên Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam, quy định này khiến hoạt động đấu giá tài sản dễ phát sinh tiêu cực. "Vì tiền bán hồ sơ thuộc nguồn thu của đơn vị có tài sản nên tổ chức đấu giá sẽ hạn chế in ấn hồ sơ để tiết giảm chi phí liên quan. Điều này làm ảnh hưởng tới hoạt động bán đấu giá và tài sản bán đấu giá sẽ không được giá cao nhất", ông Linh cho hay.
Hiện tại phần trăm thưởng chênh lệch vượt giá trị theo giá trúng thầu với giá khởi điểm đối với tài sản có giá khởi điểm trên 50 triệu đồng quy định tại Thông tư 45 dao động từ 1%-5%, đối với tài sản có giá khởi điểm dưới 50 triệu đồng tối đa là 8% giá trị bán được. Đặc biệt, phần trăm thưởng chênh lệch vượt giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng thầu với giá khởi điểm được quy định tối đa là 1%. Theo bà Hạnh, mức quy định này là quá thấp và không đáp ứng được kỳ vọng của tổ chức đấu giá khi chi phí cố định quy định kèm theo cũng không cao.
Điều này, theo quan điểm của Hội Đấu giá viên Tp.Hà Nội trong văn bản gửi Bộ Tài chính mới đây, sẽ dễ làm nảy sinh các tiêu cực không đáng có. "Nếu thưởng bán vượt giá khởi điểm thấp quá sẽ không khuyến khích được đơn vị có tài sản mang tài sản ra đấu giá công khai, mà họ cố tình lách luật làm giá khởi điểm thật thấp rồi liên kết với tổ chức bán đấu giá hoàn thiện thủ tục để trục lợi", Hội Đấu giá viên Tp.Hà Nội nhận định.
Những bất cập trong cơ chế trả thù lao bán vượt giá khởi điểm, theo ông Linh, còn làm nảy sinh sự thông đồng giữa đơn vị có tài sản với tổ chức bán đấu giá. Sự thông đồng này, theo vị đấu giá viên của công ty Bắc Trung Nam, có thể nhận thấy thông qua các biểu hiện như không đăng thông tin lựa chọn tổ chức bán đấu giá theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản. Tiêu cực còn phát sinh khi tổ chức bán đấu giá tạo điều kiện cho khách hàng thông đồng, liên kết dìm giá, chia nhau phần chênh lệch và tổ chức bán đấu giá sẽ được chia một phần lợi nhuận đó.
"Vì vậy, các doanh nghiệp, tổ chức đấu giá chân chính, làm nghiêm túc, làm tốt và không có tiêu cực thì thường ít được lựa chọn, mặc dù các cuộc đấu giá trước đã bán thành công và bán được giá cao hơn giá khởi điểm rất nhiều", ông Linh chia sẻ.
VÀ NHỮNG ĐỀ XUẤT SÁT THỰC TẾ
Ông Linh cho rằng, mức thù lao được ban hành hiện nay không đúng với tinh thần hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư 56/2014/TT-BTC, không sát với thực tế của xã hội cũng như không tương xứng với quy định mức thu của các ngành nghề khác. Vì vậy, cần có những sửa đổi kịp thời để phù hợp với thực tiễn của hoạt động đấu giá tài sản cũng như hạn chế những tiêu cực nảy sinh. "Nghề đấu giá tài sản là một nghề rất nhạy cảm, rất dễ nảy sinh tiêu cực do vậy phần thu của các đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản phải đủ sống thì mới hạn chế được tiêu cực", ông Linh nói.
Theo đó, ông khuyến nghị ưu tiên hàng đầu hiện nay là phải xác định lại quy định liên quan tới phí và thù lao của dịch vụ đấu giá tài sản để không ở mức quá thấp như hiện nay.
Bên cạnh đó, tài sản bán đấu giá là động sản thường có giá trị thấp (giá trị dưới 1 tỷ đồng chiếm trên 60%) và thường được bán trọn gói (coi như bán 1 tài sản), số lượng người tham gia ít nên tiền bán hồ sơ không nhiều. Phần tiền bán hồ sơ này đề nghị thuộc nguồn thu của các tổ chức bán đấu giá vì họ mới là người làm ra, in ấn và bỏ công sức để bán.
Khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản được tính cho một hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản nên được sửa thành khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản được tính cho một cuộc đấu giá thành công. Bởi thực tế có nhiều hợp đồng bán rất nhiều lần chưa hết tài sản vì giá cao, phải giảm giá tới vài lần.
Ngoài ra, bà Hạnh kiến nghị Bộ Tài chính nên nâng mức thưởng bán vượt lên nhiều lần so với hiện nay vì phần trăm thưởng trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm hiện nay là quá thấp, một mặt không phù hợp với thực tế xã hội, một mặt không khuyến khích được tổ chức bán đấu giá làm tốt, dể làm nảy sinh tiêu cực không đáng có.
"Nhằm giảm tiêu cực trong khâu bán đấu giá tài sản và giảm thất thoát tài sản của Nhà nước và của các tổ chức có tài sản đấu giá, ngày 2/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 40/CT-TTg về tăng cường quản lý của Nhà nước đối với hoạt động đấu giá tài sản. Chúng tôi thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường giám sát là cần thiết thì việc điều chỉnh mức thù lao nhằm tăng doanh thu của một tổ chức đấu giá nói riêng và của ngành đấu giá nói chung cũng là cần thiết. Chúng tôi mong đợi những quy định sửa đổi sẽ được Bộ Tài chính sớm ban hành để thúc đẩy hoạt động đấu giá theo hướng tích cực, khuyến khích cộng đồng đấu giá viên cả nước được sống bằng nghề ", bà Hạnh bày tỏ.