Trong báo cáo chiến lược dòng vốn toàn cầu vừa công bố, SSI Research cho biết, dòng tiền vào các tài sản tài chính phân hoá mạnh trong đó dòng tiền vào cổ phiếu bật mạnh.
TIỀN VÀO CỔ PHIẾU TĂNG MẠNH
Tâm điểm ảnh hưởng trong tháng 1 tiếp tục là định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới. Đây cũng là quan tâm hàng đầu của các nhà quản lý quỹ, khi theo khảo sát của Bank of America Merill Lynch có tới 44% người cho rằng Fed thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn kỳ vọng là rủi ro lớn nhất trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, trái ngược với tâm lý hoảng loạn bán tháo trong tháng 12, dòng tiền trong tháng 1 bắt đầu có sự phân hóa rõ rệt vào các tài sản tài chính. Tỷ trọng vào thị trường cổ phiếu đặc biệt tích cực, khi ghi nhận mức mua ròng 105,9 tỷ USD – mức mua ròng theo tháng cao nhất kể từ tháng 3/2021.
Dẫu vậy, dòng tiền này đã có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiểu tăng trưởng ví dụ công nghệ sang nhóm cổ phiếu giá trị ví dụ ngân hàng hay năng lượng.
Trái ngược, dòng vốn vào các quỹ trái phiếu và quỹ tiền tệ giảm mạnh, khi bán ròng lần lượt là -21 tỷ USD và -116 tỷ USD do tín hiệu tăng lãi suất của Fed cũng như lợi suất Trái phiếu Chính phủ tăng mạnh.
Xu hướng hồi phục của dòng vốn cổ phiếu toàn cầu tương đối đồng đều khi ở cả hai thị trường phát triển và mới nổi đều ghi nhận mức mua ròng đột biến.
Cụ thể, tại thị trường phát triển, tổng giá trị mua ròng ghi nhận là 79,9 tỷ USD, tăng hơn gấp đôi so với tháng 12/2021. Phân bổ dòng vốn cổ phiếu vẫn chủ yếu đến từ các quỹ ETF trong khi các quỹ chủ động đã bắt đầu ghi nhận sự hồi phục.
Thị trường Mỹ vẫn là tâm điểm thu hút dòng tiền với lượng mua ròng là 24,4 tỷ USD trong khi đó dòng tiền tới các nước Tây Âu đạt 10,6 tỷ USD sau 4 tháng bán ròng liên tục.
Thị trường mới nổi ghi nhận mức mua ròng tăng mạnh trong tháng, với đóng góp chủ yếu từ Trung Quốc. Dòng vốn tới thị trường mới nổi đạt 26,0 tỷ USD, tăng gấp 8 lần so với tháng 12 trong đó Trung Quốc mua ròng 16,6 tỷ USD.
Bên cạnh yếu tố mùa vụ đặc trưng của các nước khu vực Châu Á (các quỹ thường giải ngân vào đầu năm), việc NHTW Trung Quốc có định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2022 khi liên tục hạ lãi suất điều hành và cho vay giúp dòng tiền đầu tư tìm đến thị trường này. Xu hướng mùa vụ cũng được quan sát thấy ở các quốc gia có Tết Nguyên Đán như Hàn Quốc (mua ròng 1,4 tỷ USD) và Đài Loan (mua ròng 0,95 tỷ USD).
Nhìn chung, phân bổ dòng vốn trong thời gian tới vẫn tập trung vào thị trường cổ phiếu. Khảo sát từ Bank of American Merill Lynch cho thấy 55% nhà quản lý quỹ tăng tỷ trọng vào cổ phiếu trong khi đó 77% giảm tỷ trọng trái phiếu.
Lạm phát không còn là yếu tố đáng lo ngại trong năm 2022, thay vào đó là xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ của các NHTW. Nhờ vậy, dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu giá trị và hưởng lợi từ việc tăng lãi suất như ngân hàng, năng lượng thay vì vào nhóm cổ phiếu công nghệ hay thị trường trái phiếu.
CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM HẤP DẪN, KHỐI NGOẠI SẼ QUAY LẠI MUA RÒNG
Tại thị trường Việt Nam, xu hướng các quỹ ngoại giải ngân giai đoạn đầu năm quay trở lại. Giao dịch ETF tích cực trở lại khi các quỹ ETF ngoại đẩy mạnh tăng vốn trong tháng đầu năm. Lực mua chủ yếu đến từ quỹ Fubon ETF (+1.140 tỷ đồng), bên cạnh các quỹ Premia Vietnam ETF (+12 tỷ đồng) và SSIAM VNFIN Lead (+152 tỷ đồng). Ngược lại, có 3 quỹ bị rút ròng là VFM VN30 ETF (-334 tỷ đồng) và VFM VNDiamond ETF (-21 tỷ đồng), FTSE Vietnam ETF (-12 tỷ đồng).
Như vậy, các quỹ ETF đã mua ròng tổng cộng 938 tỷ đồng trong tháng 1 sau khi rút ròng trong 2 tháng liên tiếp.
Dòng tiền từ các quỹ chủ động tiếp tục cải thiện trong tháng 1. Các quỹ chủ động có diễn biến tích cực hơn, khi mua ròng 461,7 tỷ đồng, tập trung vào tuần giao dịch trước Tết Nguyên Đán.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh tương đối mạnh trong tháng 1 và giúp định giá thị trường trở nên hấp dẫn hơn và thu hút dòng tiền khối ngoại. Điều này giúp khối ngoại chuyển hướng mua ròng trên thị trường chứng khoán, nếu loại trừ giao dịch đột biến của MSN vào ngày 19/1. Cụ thể, trong tháng 1, khối ngoại mua ròng 2.071 tỷ đồng, trong đó tập trung giải ngân vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Sang năm 2022, SSI Research kỳ vọng dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới và sự ổn định của tỷ giá. Đồng VND sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh của mình, trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực sẽ chịu áp lực mất giá do USD tăng giá (Fed tăng lãi suất).
Bên cạnh đó, xu hướng giao dịch của khối ngoại tại các quốc gia trong khu vực có tín hiệu đảo chiều từ cuối năm 2021. Trước mắt, thị trường chứng khoán Việt Nam chuẩn bị chào đón thêm một quỹ đầu tư đến từ Đài Loan là quỹ Jih Sun Vietnam Opportunity Fund (JSV Fund). JSV Fund đã tiến hành IPO từ ngày 10/1/2022 với số vốn huy động ước tính khoảng 6 tỷ Đài tệ (tương ứng 5.000 tỷ đồng). Quỹ đã chính thức giao dịch trên thị trường chứng khoán vào ngày 26/1/2022.