August 30, 2024 | 16:53 GMT+7

Bất chấp căng thẳng với Hoa Kỳ, Big Tech Trung Quốc tăng gấp đôi đầu tư vào AI

Bảo Ngọc -

Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) bất chấp bối cảnh Hoa Kỳ ban hành các biện pháp kiểm soát xuất khẩu…

Nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc gia tăng đầu tư vào AI trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ.
Nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc gia tăng đầu tư vào AI trong bối cảnh căng thẳng với Hoa Kỳ.

Theo Global Times, tính đến hết nửa đầu năm 2024, tổng số tiền đầu tư vào AI của Baidu đạt 4,2 tỷ NDT (589,2 triệu USD), trong khi khoản đầu tư vào AI của Alibaba và Tencent đều đạt 23 tỷ NDT (hơn 3 tỷ USD).

Con số đồng nghĩa với việc chi phí vốn dành cho AI của BAT (tên gọi tắt của ba ông lớn Baidu, Alibaba và Tencent) đã vượt quá 50 tỷ NDT (hơn 7 tỷ USD), tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, theo kết quả tài chính của cả ba công ty.

Phần lớn khoản đầu tư tập trung vào hoạt động mua bán chip và cơ sở hạ tầng liên quan nhằm tăng cường đào tạo mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), bao gồm các mô hình tự khởi chạy, đại diện BAT cho biết trong kết quả tài chính. Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của AI trong mọi khía cạnh cuộc sống cũng thúc đẩy chi tiêu nghiên cứu và phát triển (R&D) của nhiều công ty tài chính và công nghiệp. 

Ví dụ, nhà cung cấp dịch vụ tài chính Trung Quốc Hithink RoyalFlush Information Network Co. đã tăng đầu tư vào các mô hình AI lớn và LLM trong nửa đầu năm, tương ứng khoản chi cho hoạt động R&D của công ty chiếm 42,61% tổng doanh thu hoạt động, xét trên báo cáo tài chính vừa công bố.

TĂNG ĐỘT BIẾN TRONG CHI TIÊU VỐN

Như đã đề cập, riêng Alibaba đầu tư tới 23 tỷ NDT (hơn 3 tỷ USD), tăng 123% so với năm trước, cho hoạt động AI. Ông Eddie Wu, CEO Alibaba, nhấn mạnh trọng tâm của công ty là đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong lĩnh vực AI. "Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào R&D và chi phí vốn AI nhằm đảm bảo tăng trưởng của hoạt động kinh doanh đám mây do AI thúc đẩy", vị Giám đốc đồng thời lưu ý hệ thống máy chủ gần như luôn hoạt động hết công suất, hứa hẹn lợi nhuận cao trong các quý tới. Doanh thu kinh doanh đám mây của Alibaba tăng 6% trong Quý II/2024, với doanh thu sản phẩm liên quan đến AI tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Tencent báo cáo mức tăng 176% trong chi tiêu vốn, một phần do đầu tư vào máy chủ GPU và CPU để nâng cao dịch vụ đám mây. 

Baidu duy trì cách tiếp cận thận trọng hơn khi tăng chi tiêu vốn thêm 4% lên 4,2 tỷ NDT (590 triệu USD) trong cùng kỳ.

ByteDance, công ty mẹ của TikTok, cũng tăng cường chi tiêu liên quan đến AI sau khi tận dụng lượng dự trữ tiền mặt đáng kể. Theo nguồn tin thân cận, ByteDance đang đầu tư mạnh vào việc mua bộ xử lý AI và mở rộng cơ sở hạ tầng máy tính, bao gồm một số dự án ở Johor, Malaysia. Nhà phân tích Dylan Patel từ SemiAnalysis đã xác định ByteDance là đơn vị mua công nghệ AI lớn nhất của Trung Quốc, lưu ý đến nhiều khoản đầu tư đáng kể cả trong nước và quốc tế.

ĐIỀU HƯỚNG LỆNH TRỪNG PHẠT CỦA HOA KỲ 

Hoa Kỳ đã có nhiều động thái cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc đối với chip tiên tiến và công nghệ AI, từ đó thúc đẩy các đại gia địa phương hướng tới chiến lược “tự lực cánh sinh”, đây là một phần lý do khiến chi tiêu R&D dành cho AI tại nước này ngày càng tăng.

"Các công ty tập trung phát triển mô hình AI lớn, đồng thời tuyển dụng thêm nhiều nhân tài chuyên nghiệp và đầu tư vào xây dựng nguồn lực điện toán", chuyên gia phân tích ngành đang sinh sống và làm việc tại Thượng Hải, ông Yang, nhận định.

Khi các công nghệ dần trưởng thành, các doanh nghiệp AI sẽ bắt đầu tạo ra lợi nhuận và thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế cũng như hiệu quả tại nhiều ngành công nghiệp khác nhau, vị chuyên gia lưu ý.

“AI có thể trao quyền cho hàng nghìn ngành công nghiệp và cũng là động lực quan trọng thúc đẩy sự mở rộng tăng trưởng mới", ông Yang cho biết.

Hoa Kỳ đã hy vọng các biện pháp đàn áp sẽ tạo ra tác động lớn tới đa số Big Tech Trung Quốc, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp liên quan đến AI, nhưng dường như mọi nỗ lực đều khó có thể làm chậm tiến trình phát triển công nghệ của các công ty này, chuyên gia Yang nhấn mạnh.

Một số công ty chip vẫn đang cố gắng phát triển dòng sản phẩm thoả mãn yêu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc của Hoa Kỳ vì không nhà sản xuất nào muốn mất đi thị trường khổng lồ tại đất nước tỷ dân, các nhà phân tích chỉ ra.

Nvidia và nhiều nhà sản xuất chip khác không muốn mất đi thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng. 
Nvidia và nhiều nhà sản xuất chip khác không muốn mất đi thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng. 

Điển hình nhất, mặc dù biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Hoa Kỳ hạn chế quyền tiếp cận nhiều bộ xử lý AI tiên tiến như H100 của Nvidia và dòng Blackwell sắp ra mắt, các công ty công nghệ Trung Quốc vẫn đang mua được phiên bản đã sửa đổi H20 của Nvidia, thiết kế tuân thủ chặt chẽ quy định của Hoa Kỳ. Nhiều nhà phân tích dự đoán sẽ có hơn một triệu đơn vị H20, với giá từ 12.000 đến 13.000 USD mỗi đơn vị, được chuyển đến các công ty Trung Quốc trong những tháng tới, với ByteDance nổi lên như khách hàng lớn nhất.

Tất nhiên chi tiêu AI của các công ty Trung Quốc vẫn còn quá nhỏ bé nếu so với một số Big Tech Hoa Kỳ. Trong nửa đầu năm, Alphabet, Amazon, Meta và Microsoft đã đầu tư 106 tỷ USD vào chi tiêu vốn, báo hiệu cuộc đua toàn cầu khốc liệt nhằm thống trị tương lai trí tuệ nhân tạo.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate