Theo thông tin từ "Sách trắng Bất động sản công nghiệp 2020" của Savills Việt Nam, nhờ tốc độ tăng trưởng ổn định, nền kinh tế đi theo hướng xuất khẩu, sự gia tăng của các hiệp định tự do thương mại FTAs cùng lực lượng lao động trẻ, các chính sách ưu đãi đầu tư cùng với vị trí địa lý chiến lược nên bất chấp một năm 2021 đầy thách thức, Việt Nam vẫn đang tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp.
NHẬN ĐƯỢC NHIỀU VỐN ĐẦU TƯ TỪ NƯỚC NGOÀI
Hiện nay, theo thống kê 394 khu công nghiệp được thành lập tại Việt Nam với tổng diện tích xấp xỉ 122.000 ha. Trong đó, 286 khu công nghiệp đang hoạt động và 108 khu công nghiệp đang xây dựng hoặc trong quá trình giải phóng mặt bằng. Sự phát triển nhanh chóng của các khu công nghiệp, theo Savills, một phần là do thời gian vừa qua, thị trường bất động sản công nghiệp ở cả phía Bắc và phía Nam nhận được nhiều vốn đầu tư từ Trung Quốc, Singapore... Các dự án thuộc lĩnh vực sản xuất, gia công như: dệt may, may mặc, thiết bị điện, linh kiện điện tử.
Trong đó có 4 dự án do các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc, với tổng giá trị lên tới 300 triệu USD. Những nhà đầu tư Trung Quốc chủ yếu đầu tư tại các khu công nghiệp ở Hải Phòng, Bắc Giang... chiếm tỷ lệ 20% các dự án. Các nhà đầu tư Hồng Kông đầu tư vào 8 dự án với tổng vốn đầu tư gần 700 triệu USD. Các dự án khu công nghiệp nhận đầu tư là khu công nghiệp Hải Hà (Quảng Ninh), Văn Trung (Bắc Giang), An Dương (Hải Phòng)...
Ngoài ra còn có các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào 2 khu công nghiệp phía Bắc với tổng vốn là khoảng 380 triệu USD, các nhà đầu tư Singapore đầu tư 2 dự án với tổng vốn là 90 triệu USD. Các giao dịch là từ nhà đầu tư Nhật Bản, Thái Lan với khu công nghiệp Bình Minh (Vĩnh Long) và nhà đầu tư Hàn Quốc với dự án ở khu công nghiệp Đồng Văn 4 (Hà Nam), tổng vốn đầu tư là 20 triệu USD.
Theo Savills, thời gian tới sẽ có 6 dự án bất động sản công nghiệp mới tại các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Bắc Ninh, Long An... với nguồn cung diện tích lên tới 3.733 ha. Vụ Quản lý các Khu kinh tế đã phê duyệt bản đồ quy hoạch tổng thể cho 561 dự án khu công nghiệp tới đây với diện tích trên 201.000ha.
Tuy nhiên, công nghiệp 4.0 đang thu hút sự quan tâm của các quốc gia tên toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Bằng cách nâng cao chuỗi giá trị, các đối thủ bắt đầu nâng cấp năng lực sản xuất cho mình. Sử dụng các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), in 3D, tự động hóa.
Với xu hướng như trên thì không chỉ đơn thuần là xây dựng những khu công nghiệp như trước đây mà phải là những khu công nghiệp sinh thái. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Unido đã xây dựng kế hoạch tạo ra nhiều khu công nghiệp như vậy để tăng cường công nghệ sạch và mức cacbon thấp giúp giảm thiểu phát thái khí nhà kính và các chất gây ô nhiễm nước. Hiện nay, 5 khu công nghiệp được chọn làm dự án thử nghiệm sẽ được đánh giá hiệu quả hoạt động sau 3 năm thực hiện. Ví dụ như khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng 1 là khu công nghiệp do châu Âu quản lý duy nhất tại Việt Nam.
SẴN SÀNG BẢO VỆ CÁC NHÀ ĐẦU TƯ
Để trở thành điểm đến hấp dẫn, báo cáo cũng nhấn mạnh đến yếu tố đầu tiên đó là thông điệp từ Chính phủ luôn sẵn sàng bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư FDI vào Việt Nam, trong bối cảnh mà đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế đất nước, nhất là trong quý 2 và quý 3/2021.
Trong bối cảnh hiện nay, dịch bệnh không chỉ là “một thách thức” riêng với Việt Nam mà còn là sự “thách thức” với cả thế giới thì việc Việt Nam quyết liệt trong thực hiện chính sách "Sống chung với Covid" thay vì "Zero Covid" là hoàn toàn phù hợp. Chính điều này đã tạo điều kiện cho bất động sản Việt Nam nói chung và bất động sản công nghiệp nói riêng ngày khả quan hơn.
Trong báo cáo tổng quan về kinh tế khu vực vừa phát hành, ADB dự đoán, GDP của Việt Nam có khả năng sẽ tăng 3,5% trong năm 2021 và sẽ tăng 6,5% trong năm 2022. Việc cạnh tranh trong toàn khu vực vẫn diễn ra bất chấp đại dịch. Lương công nhân ngành sản xuất tăng từ 252 USD/tháng năm 2018 lên 315 USD/tháng vào năm 2021. Đây là mức lương khá cạnh tranh so với Trung Quốc và Malaysia.
Về nguồn cung, Việt Nam có đến 394 khu công nghiệp được thành lập là con số khá lớn so với hầu hết các nước khác trong khu vực châu Á-một trong những điều kiện nội tại để thu hút nhiều hơn nữa dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Đặc biệt, theo Arcadis 2020, hiện nay thị trường hiệu quả nhất về chi phí xây dựng công nghiệp là thành phố Hồ Chí Minh, mức chi phí xây dựng cơ bản trung bình từ 309-389 USD/m2. Riêng đối với nhà xưởng do chủ đầu tư vận hành chi phí này từ 349-460 USD/m2.
Bên cạnh đó, ở Việt Nam hiện nay cũng đang thực hiện việc tái cấu trúc các khu công nghiệp. Theo Ủy ban tài chính-ngân sách quốc hội nhận định, các mô hình khu công nghiệp của Việt Nam đã lỗi thời, những khu công nghiệp hàng trăm ha không còn phù hợp nữa. Mà để bắt kịp làn sóng đầu tư đồng thời tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các khu công nghiệp mới cũng đã xuất hiện với mô hình quy hoạch được cập nhật. Việc phân cụm các khu công nghiệp sẽ giúp nâng cao chuỗi giá trị và mang lại lợi ích cho các ngành nghề cụ thể.
Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư tới Việt Nam, Savill khuyến nghị Việt Nam tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để phát triển khu công nghiệp. Đồng thời, Việt Nam cần tăng nguồn cung lao động có trình độ và đầu tư hơn vào giáo dục, công nghệ thông tin, khoa học... để dần dịch chuyển sang các ngành công nghiệp giá trị gia tăng cao.