November 21, 2012 | 10:17 GMT+7

Bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm Chủ tịch nước, Thủ tướng... từ 2013

Nguyên Vũ

Quốc hội quyết định chỉ lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu và phê chuẩn

Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội thông qua đầu phiên họp sáng 21/11 - Ảnh: CTV.
Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đã được Quốc hội thông qua đầu phiên họp sáng 21/11 - Ảnh: CTV.
Với 332/379 vị đại biểu đề nghị qua phiếu xin ý kiến, phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và hội đồng nhân dân đã được thu gọn đáng kể.

Nghị quyết về nội dung này, được Quốc hội thông qua với đa số phiếu thuận tại phiên họp sáng 21/11 quy định, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm ủy ban của Quốc hội, các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các phó thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Hội đồng nhân dân lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch hội đồng nhân dân, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, uỷ viên thường trực hội đồng nhân dân, trưởng ban của hội đồng nhân dân; chủ tịch ủy ban nhân dân, phó chủ tịch ủy ban nhân dân, các thành viên khác của ủy ban nhân dân.

Việc lấy phiếu tín nhiệm được tổ chức định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ, riêng đối với nhiệm kỳ 2011-2016 thì việc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiến hành tại kỳ họp đầu năm 2013.

Trong quy trình thực hiện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm và báo cáo tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nếu có) đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Chậm nhất là 10 ngày trước ngày Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Quốc hội có thể gửi văn bản đến người được lấy phiếu tín nhiệm yêu cầu làm rõ hơn những nội dung thuộc căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm. Người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm trả lời bằng văn bản yêu cầu mà đại biểu đã nêu trước ngày lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín với các mức độ: “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Nghị quyết cũng nêu rõ, người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người có trên hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội, thường trực hội đồng nhân dân trình Quốc hội, hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.

Ở quy trình bỏ phiếu tín nhiệm, người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quyền trình bày ý kiến của mình trước Quốc hội, và phiếu chỉ thể hiện hai mức độ: "tín nhiệm", "không tín nhiệm".

Người có quá nửa tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân bỏ phiếu “không tín nhiệm” thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó để Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức đối với người không được Quốc hội, hội đồng nhân dân tín nhiệm, nghị quyết nêu rõ.

Tuy nhiên, nghị quyết không quy định kết quả lấy và bỏ phiếu tín nhiệm được công khai đến mức độ nào.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate