Hiện nay Việt Nam có 451 nhà máy ôtô bao gồm các nhà máy sản xuất, lắp ráp phụ tùng cho ôtô và được phân bổ rải rác ở cả ba miền. Trong đó, khoảng 61% dây chuyền sản xuất nằm ở miền Bắc, còn lại 39% nằm ở miền Nam và miền Trung...
Điều đáng nói là hầu hết các dây chuyền lắp ráp và dây chuyền sản xuất được đặt rải rác ở nhiều nơi, không được tổ chức tốt hoặc qui hoạch thành các khu, tổ hợp công nghiệp chuyên dùng cho ngành ôtô. Bên cạnh sự phân bổ rời rạc đó, tỷ lệ nội địa hoá sản xuất ôtô tại Việt Nam còn rất thấp, phần lớn phải nhập từ nước ngoài về lắp ráp. Điều này đẩy chi phí sản xuất lên cao kéo giá thành tăng theo, khó cạnh tranh.
CẦN QUY HOẠCH THÀNH NHỮNG KHU TẬP TRUNG
Tại Liên bang Đức, xung quanh nhà máy ôtô Mercedes có hơn 200 nhà máy sản xuất linh kiện, thiết bị. Như vậy, việc cho ra đời một chiếc xe Mercedes chỉ gói gọn trong một khu vực mà không cần phải tốn chi phí vận chuyển linh kiện. Ở Việt Nam, sự kiện Tập đoàn Thành Công khởi công Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Hưng tại Quảng Ninh vừa qua cho thấy đang bắt đầu hình thành những khu công nghiệp lớn để phục vụ việc cho ra đời một chiếc ôtô.
Ông Đào Phong Trúc Đại, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển khu công nghiệp Việt Hưng cho biết, Tổ hợp được xây dựng trên tổng diện tích 340 ha và đây sẽ là nơi thu hút và quy tụ nhiều doanh nghiệp trong ngành phụ trợ ôtô, sản xuất linh kiện và phụ tùng. Đây có thể xem là yếu tố để tạo sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành ôtô. Hy vọng trong tương lai Tổ hợp sẽ trở thành trung tâm sản xuất lắp ráp và công nghiệp phụ trợ của ngành ôtô, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam nhằm tăng tỉ lệ nội địa hoá.
Cũng tại Quảng Ninh, Công ty Cổ phần Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes - thuộc Tập đoàn Vingroup, đang lên kế hoạch đầu tư Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm, Tp.Móng Cái. Với dự án này, Vingroup muốn xây dựng một tổ hợp công nghiệp sản xuất phụ tùng, bộ phận phụ trợ cho ôtô và các loại xe có động cơ khác cung cấp cho các nhà máy lắp ráp ôtô của Vinfast cũng như các doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu. Trước đó, tại Hải Phòng, Vingroup đã xây dựng xong Tổ hợp nhà máy ôtô VinFast. Tại Quảng Nam, Tập đoàn Trường Hải cũng đã xây dựng, mở rộng tổ hợp sản xuất, lắp ráp ôtô của mình.
Như vậy, với việc Quảng Ninh đang hình thành nên hai tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô lớn thì trong tương lai không xa Việt Nam sẽ có 4 tổ hợp sản xuất công nghiệp phụ trợ, sản xuất và lắp ráp ôtô lớn. Chủ trương phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam đã có từ lâu nhưng không thành công vì chưa có nhà đầu tư quy mô, đặc biệt là thiếu tập trung, manh mún. Việc đang hình thành các tổ hợp công nghiệp ôtô tập trung là tín hiệu đáng mừng cho ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam vốn đã từng bị xem là rơi vào thất bại.
CƠ HỘI CHO BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP
Để xây dựng được những tổ hợp công nghiệp ôtô lớn cần nhiều yếu tố như chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách thị trường, chính sách thuế ổn định và đất đai. Trong đó, các chính sách đã chuẩn bị sẵn sàng để đón nhà đầu tư, vấn đề còn lại là yếu tố đất dành cho công nghiệp ôtô.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, với dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Việt Hưng, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án thành phần đầu tiên của tổ hợp triển khai chưa đầy 24h kể từ khi Ban tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ. Đây là kỷ lục mới về thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Quảng Ninh. Điều đó cho thấy, chủ trương, chính sách đã có đầy đủ.
Còn về đất dành cho công nghiệp ôtô, ngay từ khi Tập đoàn Thành Công đặt vấn đề, tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị quỹ đất với diện tích 340 ha. Về dự án Tổ hợp sản xuất công nghiệp phía Nam sông Lục Lầm mà Vingroup đang đề nghị được đầu tư, nhu cầu sử dụng đất của dự án gần 200 ha và nguồn đất này Quảng Ninh đã có kế hoạch. Dự án này được Vingroup dự kiến đầu tư trên 3.400 tỷ đồng và tổng thuế VAT dự kiến nộp suốt vòng đời dự án là gần 75.000 tỷ đồng. Dự án Tổ hợp nhà máy ôtô VinFast tại Hải Phòng sử dụng diện tích 335 ha đã đưa vào sản xuất chính thức từ tháng 6/2019. Ngay lập tức dự án đã thu hút các tập đoàn lớn của nước ngoài như Bumper, Aapico, Lear, ZF đầu tư các nhà máy quy mô lớn để sản xuất, lắp ráp động cơ, cụm trục trước, trục sau, sản xuất, lắp ráp ghế ôtô, sản xuất cản trước, cản sau ôtô, dập và hàn chi tiết khung, lắp ráp các loại pin dành cho ôtô và xe máy điện.
Khu công nghiệp Cơ khí và ôtô Thaco Chu Lai với diện tích trên 210 ha, hiện được xem là trung tâm sản xuất ôtô và công nghiệp hỗ trợ lớn nhất Việt Nam. Tại đây có 32 công ty, đơn vị trực thuộc, bao gồm các nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô, các nhà máy linh kiện phụ tùng và tổ hợp cơ khí.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Trường Hải cho biết: "Chúng tôi đầu tư vào Khu kinh tế mở Chu Lai với định hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các thương hiệu ôtô quốc tế sản xuất, xuất khẩu sang các nước khu vực ASEAN. Hướng tới xuất khẩu linh kiện và phụ tùng ôtô, tham gia chuỗi giá trị cung ứng phụ tùng cho ngành công nghiệp ôtô thế giới".
Theo nhận định của các chuyên gia, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đang chuẩn bị bước vào giai đoạn "vàng", giai đoạn tăng tốc phát triển. Mục tiêu hiện nay là phát triển ngành công nghiệp ôtô trong nước bằng các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ sản xuất linh kiện, lắp ráp ôtô trong nước nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá. Đây là một cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp khi xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp ôtô lớn cũng như khai thác nhu cầu mở rộng sản xuất và nhu cầu kinh doanh của các hãng xe.
Chính phủ đã có chính sách nhưng nhà đầu tư bất động sản công nghiệp mới là người thực hiện việc liên kết các hoạt động sản xuất và cung ứng dưới hình thức các khu liên hợp sản xuất ôtô chuyên dụng. Bên cạnh đó, với sự phát triển của ngành công nghiệp ôtô thì nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất công nghiệp cũng phát triển theo. Thực tế đã chứng minh, từ khu công nghiệp ôtô Chu Lai, Tập đoàn Trường Hải khởi đầu với diện tích 38ha để xây dựng nhà máy ôtô tải và buýt vào năm 2003. Đến năm 2010, tổng diện tích tăng lên hơn 126 ha, trong đó riêng cụm các nhà máy công nghiệp hỗ trợ sản xuất linh kiện phụ tùng ôtô có diện tích 85 ha.
Nhìn vào 2 tổ hợp công nghiệp ôtô đang hoạt động, 1 tổ hợp vừa được khởi công và 1 tổ hợp đang đề nghị đầu tư cho thấy, nhu cầu đất cũng như hạ tầng cho ngành công nghiệp ôtô còn rất lớn. Đặc biệt trong khu vực phía Nam, đến nay chưa có một tổ hợp công nghiệp ôtô nào được hình thành, trong khi khu vực này có nhiều lợi thế cạnh tranh so với ngành công nghiệp ôtô các nước trong khu vực. Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư bất động sản công nghiệp trong tương lai.