October 06, 2023 | 09:02 GMT+7

Bất động sản công nghiệp TP.HCM đang bất lợi khi cạnh tranh với tỉnh, thành lân cận

Ban Mai -

TP.HCM không phải là không có đất, nhưng để có quỹ đất lớn thì lại rất khó khăn. Một số nhà đầu tư vì thế đã dịch chuyển qua Đồng Nai, Bình Dương...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay để thu hút đầu tư và đón đầu dịch chuyển vốn đầu tư mới vào các khu công nghiệp tại TP.HCM là thiếu quỹ đất lớn. Đây là thông tin được ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM (HBA) phản ánh tại “Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023”.

Theo ông Đào Xuân Đức, TP.HCM không phải là không có đất, nhưng để có quỹ đất lớn thì lại rất khó khăn. Một số nhà đầu tư vì thế đã dịch chuyển qua Đồng Nai, Bình Dương.

Với những hạn chế này, về phía chính quyền TP.HCM, thời gian qua, thành phố đã triển khai đề án Định hướng phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, có 05 khu công nghiệp, khu chế xuất được lựa chọn làm thí điểm và đến giữa năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai ở nhiều khu vực khác.

Thành phố cũng nỗ lực tìm lời giải cho bài toán quỹ đất hạn chế, đó là phát triển mô hình nhà xưởng cao tầng tại một số đơn vị ở khu chế xuất Tân Thuận và Linh Trung với nhà xưởng 9-10 tầng để phục vụ cho những dự án phù hợp như: công nghệ thông tin, công nghệ cao…

TP.HCM cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ bổ sung thêm quy hoạch đất cho KCN Phạm Văn Hai 1 và Phạm Văn Hai 2 với diện tích 668 ha. Trong đầu năm nay, Thủ tướng đã có quyết định bổ sung quy hoạch này cho TP.HCM nên việc tiến hành quy hoạch và đấu thầu để xây dựng cơ sở hạ tầng đang là cơ hội để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn…

Ngoài ra, TP.HCM cũng đang phải cạnh tranh với các tỉnh, thành lân cận như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu khi sẽ có nguồn cung đất khu công nghiệp mới dồi dào gia nhập thị trường với khoảng 5.700 ha từ hiện nay  đến năm 2026, theo Cushman & Wakefield.

Trong khi đó, nhiều tỉnh, thành mới trong thu hút công nghiệp với các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư sẽ xuất hiện sự chuyển dịch các dự án low-end (cấp thấp) tới các địa bàn công nghiệp mới để hưởng các cơ chế này, ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành khối Bất động sản công nghiệp, Công ty Frasers Property Vietnam, cho biết.

Theo ông Chong Chee Keong, Giám đốc điều hành khối Bất động sản công nghiệp, Công ty Frasers Property Vietnam, ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đang có xu hướng thiết lập nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam để đón đầu sự chuyển dịch của nhà đầu tư “đại bàng”.

Điều này lý giải vì sao nguồn cung khu công nghiệp tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang ở mức 28.000 ha. Đáng chú ý, sau khoảng 2-3 năm không có nguồn cung đất khu công nghiệp mới thì trong quý 3 này thị trường đón nhận thêm nguồn cung mới từ một khu công nghiệp ở Long An, đóng góp khoảng 171 ha.

Tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt gần 82%, tương đương hấp thụ thuần 116 ha, tăng 66% theo quý, theo báo cáo quý 3/2023 của Cushman & Wakefield.

Kéo theo đó Cushman & Wakefield cũng ghi nhận giá thuê đất công nghiệp trung bình được ghi nhận ở mức 167 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 1% theo quý và tăng 8,5% theo năm. Một số khu công nghiệp đã có ghi nhận điều chỉnh giá tăng từ 3% đến 5% so với cùng kỳ.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate