Trước diễn biến thị trường bất động sản được xem là "trầm lắng" hiện nay, Công ty Nghiên cứu - Tư vấn bất động sản VietRees vừa thực hiện một khảo sát ý kiến nhận định của các chuyên gia trong ngành.
Theo thống kê, có hơn 90% các chuyên gia tin tưởng vào tiềm năng phát triển của thị trường này trong tương lai. Tuy nhiên, đa số các chuyên gia (chiếm tới 70%) đều chưa xác định được
thời điểm cụ thể khi nào thị trường sẽ phục hồi. Nguyên nhân là do thị
trường còn chịu nhiều ảnh hưởng của các yếu tố khác của nền kinh tế.
Kết quả thống kê dựa trên sự tập hợp ý kiến đánh giá của 33 chuyên gia bất động sản hàng đầu đang công tác tại các cơ quan nhà nước, các lãnh đạo cấp cao của một số công ty, tập đoàn bất động sản lớn, nổi tiếng, có uy tín trong và ngoài nước đang hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Thống kê này nhằm xác định niềm tin vào tiềm năng phát triển của thị trường trong tương lai, đồng thời xác định thời điểm nào thị trường bất động sản Việt Nam sẽ hồi phục trở lại.
Thực tế có một số ít chuyên gia chưa thể hiện rõ niềm tin của mình vào thị trường tuy nhiên vẫn cho rằng "bản thân thị trường bất động sản không có trục trặc gì lớn, thời gian tới thị, trường sẽ diễn biến tuỳ theo sự ổn định của thị trường tài chính cũng như các chỉ số ổn định của nền kinh tế".
Thống kê cho thấy 100% các chuyên gia đánh giá thị trường trong thời điểm hiện tại đang gặp nhiều khó khăn nhưng 90% trong số họ vẫn luôn tin tưởng và lạc quan vào tương lai của thị trường. Trong đó có 30% ý kiến cho rằng thị trường sẽ hồi phục trong năm 2009 hoặc 2010. Mỗi chuyên gia đều có lý lẽ xác thực riêng của mình để nhận định về thị trường này vì trong giai đoạn được gọi là "suy thoái" của thị trường như hiện nay, một số phân khúc bất động sản khác vẫn phát triển.
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, dù thị trường địa ốc đang chững lại nhưng chỉ ảnh hưởng đến phân khúc đất nền, căn hộ, còn văn phòng cho thuê, đất khu công nghiệp vẫn "cung không đáp ứng đủ cầu".
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) thì cho rằng: khó có thể nói được khi nào thị trường sẽ hồi phục cũng như dự báo về điều đó. Hy vọng trong năm 2009, thị trường sẽ hồi phục dần. Nhưng nhà giá thấp, nhà có quy mô vừa phải, giá vừa phải thì hiện vẫn có rất nhiều nhu cầu.
Các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài nhận định: lãi suất cao và việc hạn chế cho vay của các ngân hàng trong thời gian qua đã khiến một số công ty bất động sản trong nước phải đình hoãn dự án hoặc bán lại để đáp ứng nhu cầu tiền mặt.
Điều này mở ra cơ hội cho quỹ đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường bất động sản Việt Nam. Theo các nhà quản lý các quỹ này, nhu cầu về căn hộ, văn phòng, khách sạn ở Việt Nam sẽ còn tăng cao bởi Việt Nam vẫn là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh ở khu vực châu Á.
Ông Jean Chretien, cựu thủ tướng Canada, kiêm cố vấn Tập đoàn ACDL - Asian Coast Deverlopment Ltd cũng nhất trí rằng: "Thị trường bất động sản Việt Nam tuy đang gặp khó khăn nhưng chỉ là nhất thời. Thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng và các nhà đầu tư nước ngoài đang nhắm tới việc đầu tư lâu dài tại đây".
Ông Don Lam, Giám đốc quỹ đầu tư VinaCapital, cho biết các khu căn hộ bậc trung vẫn còn rất tiềm năng. Việt Nam có số lượng dân số trẻ rất lớn, khi lập gia đình họ không muốn sống cùng bố mẹ và rất cần chỗ ở riêng. Một căn hộ thường được bán với giá khoảng 1.200 USD/ m2 hiện có thể tăng lên 1.400 USD bởi nguồn cung thiếu.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: quan hệ cung - cầu trên thị trường bất động sản Việt Nam vẫn mất cân đối theo hướng cầu luôn lớn hơn cung và xu hướng này vẫn còn kéo dài trong tương lai vì tốc độ đô thị hoá vẫn tăng cao trong thời gian tới. Từ đó dẫn đến nhu cầu về nhà ở, hạ tầng khu công nghiệp, khách sạn, văn phòng cho thuê tăng nhanh.
Riêng nhu cầu về nhà ở thì để đạt được mục tiêu về diện tích nhà ở bình quân đầu người theo định hướng phát triển nhà ở được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ 12m2/người hiện nay, tăng lên 20 m2/người vào năm 2020, mỗi năm cần có khoảng 35 triệu m2 nhà xây mới tại các đô thị. Vì thế thị trường bất động sản Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate