December 25, 2020 | 23:35 GMT+7

Bất động sản nào “hot” nhất khi Phú Quốc lên thành phố?

Phương Thảo

Phú Quốc được định hướng sẽ trở thành thành phố du lịch, cho nên bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chiếm vị thế số 1

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là xu hướng đầu tư hấp dẫn nhất thời gian tới, tiêu biểu là những thị trường tiềm năng như Phú Quốc. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần biết tìm đúng nơi, gửi "vàng" đúng chỗ để dòng tiền đầu tư sinh sôi lợi nhuận lâu dài.

Mới đây, Phú Quốc đã chính thức trở thành thành phố biển đảo. Theo quan sát của ông, thị trường bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng ở thành phố Phú Quốc tới đây sẽ diễn biến ra sao?

Có nhiều nguyên nhân khiến bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng ở Phú Quốc phát triển. Đặc biệt khi Phú Quốc trở thành thành phố sẽ tạo ra những cú hích mới cho bất động sản đảo Ngọc.

Trước hết, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc nhằm thiết lập mô hình quản lý theo mô hình chính quyền đô thị, phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; góp phần tăng cường hơn nữa hiệu quả quản lý trên địa bàn đang có tốc độ đô thị hóa cao.

Thứ hai, về tốc độ tăng trưởng du lịch, mấy năm gần đây Phú Quốc luôn có mặt trong top các địa phương dẫn đầu cả nước. Năm 2019, Phú Quốc đón trên 5 triệu lượt khách, tăng xấp xỉ 27% so với 2018, riêng khách quốc tế tăng 22,7%. Năm nay, dù bị ảnh hưởng chung từ dịch Covid-19, song chỉ cần trở về "trạng thái bình thường mới" là khách du lịch lại đổ về đảo Ngọc. So với tháng 10, khách du lịch Phú Quốc tháng 11 tăng 50%, tháng 12 cũng ở mức tương tự. Theo Sở Du lịch Kiên Giang, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng Phú Quốc vẫn đón khoảng 2,9 triệu lượt khách trong 10 tháng đầu năm 2020. Dự tính, trong năm 2020 Phú Quốc sẽ đón trên 3 triệu lượt khách.

Thứ ba, không phải chịu ảnh hưởng từ các cơn bão, đây là yếu tố thời tiết cực kỳ tốt giúp thị trường Phú Quốc thu hút đầu tư. Do đó, ngoài việc có lợi thế nhờ cảnh quan biển đảo tuyệt đẹp, nơi đây cũng là điểm đến của các chủ đầu tư với phân khúc bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng sôi động bậc nhất cả nước. Thú vị là, trong khi Nha Trang và Đà Nẵng nằm ở trong đất liền nên chỉ có 1 mặt giáp biển, thì Phú Quốc có rất nhiều bãi biển cho du khách thoải mái khám phá vòng quanh đảo.

Thứ tư, Phú Quốc có hệ thống giao thông đồng bộ và hiện đại. Hệ thống giao thông đường bộ kết nối trung tâm Phú Quốc với các điểm du lịch được hoàn thiện trong các năm qua. Đường biển với tàu cao tốc xuất phát từ thành phố Rạch Giá và thị xã Hà Tiên tần suất 5 chuyến đi và về mỗi ngày, bình quân 150-300 khách/tàu, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách ra đảo. Đặc biệt, đường hàng không có sân bay quốc tế Phú Quốc tần suất 15-20 chuyến/ngày nối Phú Quốc với Hà Nội, Tp.HCM, Cần Thơ, Vinh… Việc di chuyển không còn là trở ngại với du lịch Phú Quốc.

Thứ năm, chính việc nâng tầm về quy mô, phát triển những công trình đẳng cấp quốc tế, mới mẻ, hấp dẫn, điển hình như khu vực Nam đảo khiến du lịch Phú Quốc ngày càng thăng hạng, đa dạng trải nghiệm, khiến du khách quay trở lại nhiều lần. Đồng thời, Phú Quốc còn được coi là điểm đến an toàn, là nơi lý tưởng bậc nhất để chăm sóc sức khỏe.

Vậy theo ông, đâu là phân khúc bất động sản có thể giúp nhà đầu tư nắm vận hội mới từ "Thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam"?

Phú Quốc được định hướng sẽ trở thành thành phố du lịch, cho nên bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng vẫn chiếm vị thế số 1. Cần hiểu rộng ra là, bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng không chỉ là các biệt thự nghỉ dưỡng, mà còn là các bất động sản thương mại như shophouse, condotel, hay các khu nhà phố, khu đô thị ở đa chức năng, vừa để ở vừa để kinh doanh dịch vụ.

Phát triển các bất động sản này là hướng đi đúng, vừa phục vụ mục tiêu phát triển đô thị, vừa bổ sung chuỗi dịch vụ du lịch, giúp tăng trải nghiệm, tăng mức chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách.

"ĐẤT ĐẢO" SẼ HÓA "ĐẤT VÀNG"

Hiện tại, quỹ đất ở Phú Quốc không còn nhiều. Khi thị trường vận động mạnh, giá bất động sản có khả năng tăng cao không, thưa ông?

Tất nhiên theo thời gian, giá bất động sản sẽ tăng cao. Dẫu sao, Phú Quốc hiện vẫn tựa như hòn ngọc mới được khám phá và đang trong quá trình mài giũa để sáng đẹp hơn. Do đó, thời điểm này nên đầu tư vào thị trường Phú Quốc để đón cơ hội tăng giá.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần biết tìm đúng nơi, gửi "vàng" đúng chỗ để dòng tiền đầu tư sinh sôi lợi nhuận lâu dài. Điểm đến đầu tư phải giàu tiềm năng du lịch, có dòng khách ổn định và tăng trưởng liên tục theo thời gian; các dự án phải theo mô hình quần thể, hệ sinh thái để tạo sự liên kết, tối ưu hóa, chủ đầu tư phải uy tín để tạo ra được những sản phẩm bất động sản du lịch quy mô, đẳng cấp mới đủ sức hấp dẫn…

Ví dụ, khi mua bất động sản trong một tổ hợp, hệ sinh thái, nhà đầu tư còn được thừa hưởng nhiều tài nguyên và công cụ do chủ đầu tư phát triển như vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng. Do đó sẽ tiếp tục tạo ra giá trị gia tăng cho các bất động sản tại đây. Nghĩa là theo thời gian, bất động sản đó sẽ tiếp tục tăng giá, nhất là ở những vị trí đẹp. Quỹ đất Phú Quốc có giới hạn, khi lên thành phố Phú Quốc cũng phải dành tỉ lệ đất nhất định phục vụ các công trình hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện,… Do đó, đầu tư bất động sản càng sớm, nhà đầu tư càng được hưởng mức giá thấp, lại có nhiều sự lựa chọn.

Trong tương quan so sánh với các thị trường truyền thống khác như Nha Trang, Đà Nẵng hay Phú Yên, Quy Nhơn, thị trường bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng ở thành phố biển đảo Phú Quốc có sức hấp dẫn và cạnh tranh ra sao, thưa ông?

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, giá đất tại những vị trí đẹp của Nha Trang hiện đã ở mức 500 - 600 triệu đồng/m2. Tại Đà Nẵng, giá đất những vị trí đẹp chưa đạt được mức như Nha Trang, và cần những đột phá mới thì may chăng mới có cơ hội đầu tư lớn. Tại những thị trường còn tương đối mới như Phú Yên hay Quy Nhơn, giá đất ở mức thấp hơn, vẫn còn cơ hội tăng giá song phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.

Đáng chú ý là, Nha Trang hay Đà Nẵng phải mất khá nhiều năm để tăng giá gấp nhiều lần, ở mức như hiện tại. Còn ở các thị trường mới, lực đẩy và những yếu tố khiến thị trường tăng giá nhanh và bền vững chưa thực sự rõ nét.

Tuy nhiên, Phú Quốc thì khác. Có thể, chỉ cần vài năm nữa để đảo Ngọc thiết lập mức giá 500-600 triệu/m2 như đất vàng Nha Trang hiện nay. Thậm chí, nhiều vị trí có thể đắt đỏ hơn, có thể cả tỷ đồng/m2 như đất vàng Hà Nội, Tp.HCM. Khi Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo tầm cỡ quốc tế, một "Singapore thứ hai của châu Á", mức giá đó hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, phải nhấn mạnh đó là những vị trí đẹp, được quy hoạch bài bản theo các mô hình hệ sinh thái quy mô quốc tế.

Tôi lấy ví dụ thế này. Trước đây, khu vực Nam đảo Ngọc dù đầy tiềm năng du lịch, nhưng không có bất cứ dịch vụ nào. Bãi Kem đẹp top đầu thế giới nhưng cách đây 5 năm du khách có đến cũng chẳng buồn xuống tắm, bởi rác ngập lối đi. Du khách cũng không ai biết Mũi Ông Đội, hay đảo Hòn Thơm đẹp và độc đáo thế nào.

Nhưng kể từ khi Sun Group đầu tư vào Nam đảo, sau 5 năm , nơi này lột xác thành viên ngọc sáng của du lịch Việt, với hệ sinh thái quy mô, trị giá nhiều tỉ USD đã thành hình, với gần 50 công trình kỳ vĩ, trở thành biểu tượng cho sự trỗi dậy năng động của 1 vùng đất, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư. Giá trị bất động sản Nam đảo rõ ràng đã tăng mạnh, và sẽ còn tăng tiếp.

Để bất động sản Phú Quốc từ "đất đảo" thành "đất vàng" như thế, bên cạnh cơ hội từ việc lên thành phố như tôi đã phân tích, phải kể đến việc có nhiều nhà đầu tư tầm cỡ đã gia nhập thị trường này, như Sun Group, Vingroup, CEO Group…

Đơn cử Sun Group, cách làm của họ là không đầu tư từng dự án nhỏ lẻ ở các địa phương, mà tại mỗi vùng đất giàu tiềm năng như Nam Phú Quốc, sẽ phát triển mô hình hệ sinh thái tầm cỡ, quy mô với một chuỗi các công trình đẳng cấp, ấn tượng, được đầu tư lớn về thiết kế kiến trúc, nằm ở những vị trí đắc địa. Các công trình này có mối quan hệ bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau, tạo nên chuỗi vận hành khép kín.

Như thế, sau 5 năm, khu vực Nam đảo Phú Quốc đã được nâng tầm trở thành điểm đến hạng sang của khu vực và thế giới, nhiều công trình ở đây được vinh danh trong các giải thưởng du lịch quốc tế, thậm chí nhiều công trình gần như đã trở thành "biểu tượng" mới khi nhắc đến Phú Quốc. Tôi tin rằng, với cách làm bài bản như thế, bất động sản Nam Phú Quốc sẽ dẫn đầu thị trường chỉ sau 2-3 năm tới.

Thưa ông, nếu như năm 2021, Việt Nam và thế giới từng bước khống chế được dịch Covid-19 thì thị trường bất động sản sẽ diễn biến thế nào?

Việt Nam mới bắt đầu vào giai đoạn phát triển vàng. Theo kinh nghiệm của thế giới, thị trường bất động sản của một quốc gia phát triển mạnh khi tỷ lệ đô thị hoá trên 40%, đó là giai đoạn phát triển thịnh vượng của mỗi quốc gia. Việt Nam đang ở giai đoạn đó, đô thị hoá gần 40%. Do đó, bất động sản có nhiều cơ hội, khi thu nhập của người dân tăng, khả năng tiếp cận bất động sản cũng tốt hơn.

Thị trường bất động sản trong trung và dài hạn có nhiều cơ hội phát triển, bởi nhu cầu trên tất cả các phân khúc đều rất lớn: nhà ở, bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng, công nghiệp…

Đặc biệt, với nỗ lực khống chế dịch Covid-19 thì trong vài năm tới, dịch sẽ được kiểm soát trên quy mô toàn thế giới, bất động sản sẽ phục hồi và bước vào giai đoạn phát triển mới, nhất là những phân khúc có nhiều triển vọng như bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện nay, xu hướng đầu tư vào phân khúc này mang tính đường dài. Ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, phân khúc phục hồi đầu tiên là bất động sản gắn với du lịch, nghỉ dưỡng.

Đây là giai đoạn tốt để đầu tư bởi giá chưa thực sự cao, lãi suất gửi ngân hàng thấp…

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate