Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam đang dần chuyển sang giai đoạn phức tạp, cơ hội đầu tư nhiều song để thành công cũng không phải dễ dàng.
Nhận định trên được ông Maur Gasparotti, Giám đốc điều hành khối khách sạn của Công ty CBRE Việt Nam đưa ra tại cuộc họp báo về triển vọng thị trường khách sạn, bất động sản nghỉ dưỡng, chiều 20/7.
Nhu cầu đã thay đổi?
Theo CBRE, tình hình thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay đã khác nhiều so với thời điểm trước đây. Vào thời điểm này 2 năm trước, sóng bất động sản bắt đầu đổ dồn vào thị trường nhà nghỉ dưỡng, phân khúc sản phẩm căn hộ nghỉ dưỡng trở thành xu hướng đầu tư mới và hấp dẫn nhờ nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng du lịch.
Các khu nghỉ dưỡng cao cấp mọc lên ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam minh chứng rằng, các nhà đầu tư bất động sản đã nhìn thấy nhiều cơ hội từ thị trường mới mẻ này tại Việt Nam.
Tuy nhiên, phần lớn trong số nhà đầu tư đi trước đã bỏ quên những dịch vụ cao cấp đi kèm dẫn tới hiệu quả chưa được như mong muốn.
Theo ông Maur Gasparotti, nhu cầu trên thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay đã thay đổi rất nhiều so với giai đoạn trước khủng hoảng. Khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn và cũng có nhiều sự lựa chọn hơn.
Khảo sát cuả CBRE cho thấy, nguồn cung trong vòng mấy năm tới được dự báo sẽ rất dồi dào. Tại khu vực phía Bắc sẽ có hơn 5.000 căn hộ và biệt thự mới được xây dựng. Điển hình như dự án The Long Châu Villas & Residences do Công ty Cổ phần T&H Hạ Long đầu tư với khoảng 700 căn biệt thự nằm trên đảo Tuần Châu, Hạ Long có tổng diện tích đất lên tới 338,45 ha với vốn đầu tư 330 triệu USD.
Dự án này nằm trong tổ hợp sân golf 18 lỗ, bến du thuyền, khu biệt thự. Tại dự án này, hơn 50 căn biệt thự sang trọng trên mặt biển trong giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành trong năm 2011.
Tại Hải Phòng nổi lên hai dự án lớn là Sông Giá Resort Complex và Cát Bà Resort Community do Công ty Cổ phần Vinaconex ITC làm chủ đầu tư xây dựng theo mô hình tổ hợp du lịch-giải trí-nghỉ dưỡng. Đây sẽ là những nguồn cung đáng kể cho thị trường nhà nghỉ dưỡng trong vài năm tới, nhằm đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư cũng như người mua trong và ngoài nước.
Với giới đầu tư, nhà nghỉ dưỡng được xem như "ngôi nhà thứ 2" để làm nơi nghỉ ngơi cuối tuần cho các gia đình. Nhà nghỉ dưỡng thường là một phần trong dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng, sân golf tọa lạc ven vùng biển hoặc ở vùng sơn cước.
Còn theo các chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, châu Á, Đông Nam Á sẽ là điểm thu hút du lịch mới trong tương lai. Cùng với đó là sự thay đổi lớn trong xu hướng lựa chọn điểm nghỉ dưỡng của du khách, thay vì ở khách sạn hoặc resort hạng sang như trước sẽ chuyển dần sang các khu villa riêng biệt. Vì vậy, thị trường nhà nghỉ dưỡng và bất động sản du lịch ở Việt Nam cũng sẽ phát triển theo dòng chảy của khu vực.
Tuy nhiên, theo ông Mauro Gasparotti, thị trường bất động sản du lịch Việt Nam vẫn là một ngành công nghiệp non trẻ, chịu tác động của nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Do đó, các nhà đầu tư được cảnh báo cần cân nhắc và chủ động để đối phó với biến động thị trường.
Phải “dò đúng sóng”
Theo ông Mauro Gasparotti, ở nhiều nước trên thế giới, các dự án tiêu chuẩn và dự án cao cấp luôn có sự phân biệt rõ ràng, trong khi tại Việt Nam, ranh giới này gần như nhạt nhòa.
Cùng với chất lượng xây dựng tốt, vị trí đẹp thì yếu tố độc đáo trong thiết kế và cả các dịch vụ đi kèm cũng có các tiêu chí rõ ràng. Nếu chỉ đơn thuần lặp lại các thiết kế có sẵn mà không đáp ứng được với sự phát triển nhanh của thị trường thì rủi ro là điều khó tránh khỏi trong cuộc cạnh tranh này.
Tuy nhiên, sóng bất động sản dồn vào thị trường này trong những năm gần đây đã khiến các chủ đầu tư chạy đua với số lượng và xem nhẹ những chi tiết rất nhỏ như kích thước phòng, thiết kế, tiện ích... một trong những yếu tố then chốt làm nên thương hiệu sản phẩm.
Theo kinh nghiệm, khách du lịch nước ngoài chỉ muốn mua nhà nghỉ dưỡng tại những quốc gia mà họ ưa thích quay trở lại nhiều lần. Những dải bờ biển hấp dẫn cùng nhiều cảnh quan sơn cước hữu tình còn nguyên sơ là yếu tố thu hút du khách quốc tế muốn đến Việt Nam tham quan và khám phá.
Bởi vậy, các chuyên gia dự báo Việt Nam sẽ có khả năng gia tăng lượng khách nước ngoài mua nhà nghỉ dưỡng ven biển. Con số này được kỳ vọng tiếp tục tăng khi cơ sở hạ tầng tại nhiều khu vực hoàn chỉnh cùng nhiều chính sách khuyến khích phát triển du lịch nhanh chóng hoàn thiện nhằm thu hút khách quay trở lại và kéo dài thời gian nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, một lượng nhu cầu đáng kể trong ngành kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng cũng đang hình thành từ đối tượng khách nội địa. Giống như Ấn Độ, Trung Quốc cùng nhiều quốc gia đang phát triển khác, nhu cầu du lịch trong nước ở Việt Nam vẫn là nguồn kinh doanh chính của khách sạn và khu nghỉ dưỡng địa phương.
Lượng khách này là động lực để phát triển thêm các dự án bất động sản du lịch. Tuy nhiên, đối tượng này đang thay đổi nhanh chóng nên các chủ đầu tư cần nhanh chóng nắm bắt tình hình và thu hút họ bằng các giá trị và dịch vụ cao cấp.
“Muốn thành công nhất định chủ đầu tư phải “dò đúng sóng” nhu cầu của khách hàng, còn nếu không thì thất bại là điều khó tránh khỏi”, ông Mauro Gasparotti cảnh báo.
Còn theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đề thành công trong lĩnh vực kinh doanh du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng trong bối cảnh hiện nay, chủ đầu tư không thể triển khai theo cách làm truyền thống “phát vé thu tiền”.
Thay vào đó, cần có một chiến lược đầu tư mà ở đó trọng tâm là phải tập trung vào khai thác những giá trị vốn có của mỗi địa phương, địa điểm theo hướng ngày càng cao cấp.
Theo vị này, những khu vực nổi tiếng như Quảng Ninh, Hải Phòng... nếu không tập trung vào khai thác theo hướng cao cấp thì sẽ vô cùng lãng phí và hiệu quả sẽ không cao.
“Để khai thác tối đa lợi thế của mỗi khu vực, không chỉ là chiến lược của mỗi doanh nghiệp mà còn phải có sự chỉ đạo, chủ trương của các cơ quan quản lý, của chính quyền địa phương. Nhu cầu của con người ngày một cao nên chúng ta không thể kinh doanh theo kiểu đại trà mãi được”, ông Thiên nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate