Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2024, Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai kịp thời những chính sách, giải pháp phù hợp, để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp FDI dần ổn định và mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng đầu tư. Theo đó, tổng vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, trong đó dòng vốn ngoại tiếp tục rót vào lĩnh vực bất động sản.
Cụ thể, tháng 1/2024, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt mức 2,36 tỷ USD, tăng 10,2% so với 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,6% lên 1,48 tỷ USD. Theo đó, nhóm ngành bất động sản nhận được nhiều vốn đầu tư nhất với 1,27 tỷ USD, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký.
Sang tháng 2/2024, FDI đăng ký ở mức 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023, trong khi FDI giải ngân tăng 9,8% lên 2,8 tỷ USD. Bất động sản là nhóm ngành đứng thứ hai, đạt gần 1,41 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đăng ký.
Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 3/2024, FDI đăng ký ở mức 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ 2023, FDI giải ngân tăng 7,1% lên 4,63 tỷ USD. Nhóm ngành bất động sản đứng thứ hai với hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đăng ký.
Theo Bộ Xây dựng, kết quả thu hút vốn FDI đăng ký trong quý khẳng định niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường đầu tư của Việt Nam, để tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới và đầu tư mở rộng dự án hiện hữu, nhất là với bất động sản.
Thực tế, nhận định từ chuyên gia của Công ty Savill Việt Nam cũng cho rằng, thị trường bất động sản Việt Nam trong mắt nhà đầu tư ngoại rất hấp dẫn bởi những lợi thế riêng biệt. Đó là sự ổn định không chỉ về tình hình chính trị mà giữa bối cảnh vĩ mô, kinh tế có phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, với mức lạm phát duy trì thấp và tỷ giá được Nhà nước kiểm soát ổn định hơn, trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực. Do vậy với lĩnh vực bất động sản, Việt Nam vẫn duy trì là điểm đến đầu tư đáng chú ý, của nhà đầu tư và nhà phát triển bất động sản nước ngoài tại vị trí và phân khúc mà dư địa phát triển tốt.
Tương tự, theo đánh giá từ Công ty dịch vụ bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam, khi bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, thì quốc gia mới nổi như Việt Nam đang trở thành một thị trường tiềm năng thu hút đầu tư. Nhưng quan trọng hơn, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở thị trường Việt Nam là yếu tố quan trọng trong quyết định của nhà đầu tư nước ngoài. Bởi nhìn lại giao dịch giai đoạn 2018 đến 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư và M&A bất động sản đạt 4,2 tỷ USD. Trong đó, loại hình nhà ở và công nghiệp chiếm tỷ trọng lần lượt 46% và 28%.
Cushman & Wakefield tin rằng đây là thời điểm phù hợp để doanh nghiệp tăng cường hoạt động liên kết hợp tác... Vì hiện nay, mặt bằng lãi suất đã giảm, các nghị định cùng quy định mới nhằm gỡ vướng cho dự án bất động sản được ban hành, sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc mở rộng thị trường và liên kết hợp tác.
Đơn vị dự báo, một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài sẽ hoàn tất, đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024-2026, bởi nhiều giao dịch đã, đang đàm phán và khá tích cực. Hiện, mục tiêu đầu tư vẫn nằm ở việc tìm kiếm quỹ đất sạch, có chất lượng tốt, giá trị thật, quyền sở hữu hợp pháp, đền bù giải phóng hoàn chỉnh và tiềm năng phát triển.