Tại hội nghị Bất động sản châu Á - Thái Bình Dương do Liên đoàn Bất động sản Thái Lan (FIABCI) tổ chức tại Thái Lan, ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết: Việt Nam là thị trường mới nổi, có nhiều chính sách thu hút đầu tư, nền kinh tế đang phát triển, dân số trẻ, năng động cùng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, những năm gần đây, Việt Nam ghi nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ đến từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Thái Lan. Trong đó, bất động sản nhà ở, thương mại, nghỉ dưỡng và bất động sản công nghiệp thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư. Có thể kể đến: CapitaLand rất thành công với các dự án bất động sản nhà ở; còn bất động sản công nghiệp có VSIP; bất động sản thương mại có Lotte và Central Retail Group…
Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế thế giới biến động, Việt Nam cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng nặng nề; và thị trường bất động sản đã gặp nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự chỉ đạo từ phía Chính phủ, các bộ, ngành cùng nỗ lực của doanh nghiệp, thị trường bất động sản đang dần phục hồi. Đáng chú ý, bất động sản công nghiệp và bất động sản nhà ở xuất hiện nhiều tín hiệu quay lại của nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Cụ thể, từ tháng 8/2023 ghi nhận hoạt động nhộn nhịp hơn ở thị trường mua - bán bất động sản và mua bán - sáp nhập dự án.
Theo ông Bình để giúp thị trường bất động sản trong nước sôi động và hướng đến mục tiêu khơi mở, thúc đẩy phát triển đầu tư quốc tế vào Việt Nam cũng như “giữ chân” nguồn nhân sự giỏi, có trình độ cao đến Việt Nam làm việc, sinh sống, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam; Chính phủ Việt Nam liên tiếp gia tăng nguồn cung bất động sản, xây dựng sản phẩm phù hợp nhu cầu nhà ở và đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam ở khu vực cho phép. Đồng thời, đưa ra không ít quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người nước ngoài có thể mua, sở hữu bất động sản Việt Nam.
Chia sẻ thêm về quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, ông Bình cho biết: Người nước ngoài sẽ được sở hữu nhà ở thương mại tại Việt Nam trong vòng 50 năm; được nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư, hoặc không quá 250 căn đối với nhà ở riêng lẻ trong khu dân cư tương đương một đơn vị hành chính cấp phường.
Mặt khác, hiện nay, còn có quan điểm đề xuất việc tăng tỷ lệ sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài. Theo đó, nhận thấy nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam ngày càng tăng, Chính phủ Việt Nam đang nghiên cứu để sửa đổi các Bộ luật quan trọng với thị trường bất động sản Việt Nam như: Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Kinh doanh bất động sản... theo hướng phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đây có thể là căn cứ quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài khi muốn mua hoặc sở hữu nhà tại Việt Nam.
Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Myanmar, Thái Lan, Cambodia cũng cung cấp những thông tin thiết thực về tình hình thị trường bất động sản hiện tại ở các nước. Nhiều ý kiến và nội dung trọng tâm được chuyên gia, nhà đầu tư trao đổi, chia sẻ. Đây là cơ sở quan trọng, tiền đề mở ra cơ hội hợp tác mới nhằm phát huy giá trị bền vững trong lĩnh vực bất động sản giữa các nước.
Hội nghị Bất động sản châu Á - Thái Bình Dương là sự kiện thường niên tổ chức bởi FIABCI. Năm nay, chương trình diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 5-7/2023 với nhiều nội dung hấp dẫn; thu hút hơn 800 nhà phát triển, nhà đầu tư, nhà môi giới, định giá, nhà quản lý và khách mời đến từ các quốc gia đang quan tâm đến thị trường bất động sản và mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác vào thị trường bất động sản xuyên biên giới.