Giá cổ phiếu của 4 công ty bất động sản gia đình lớn nhất Hồng Kông đã giảm hơn 1/3 trong vòng 4 năm qua, khiến gần 50 tỷ USD vốn hoá thị trường bị thổi bay, do các biện pháp chống Covid-19 và môi trường lãi suất tăng khiến thị trường địa ốc của thành phố này tụt dốc – theo tờ Financial Times.
Bốn gia tộc thống trị lĩnh vực bất động sản ở Hồng Kông bao gồm nhà họ Li của CK Asset; nhà Kwok - những người kiểm soát Sun Hung Kai Properties; nhà Lee của Henderson Land; và nhà Cheng nắm New World Development.
Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của 4 công ty này đã giảm bình quân khoảng 35% trong thời gian từ tháng 4/2019 đến nay, khiến tổng giá trị vốn hoá thị trường của 4 công ty giảm từ 132 tỷ USD về 86 tỷ USD ở thời điểm cuối tháng 3. Trong đó, New World và Henderson giảm mạnh hơn cả, với mức giảm tương ứng là 62% và 40%.
“Tình hình bây giờ chắc chắn là khó khăn hơn so với trước kia”, giáo sư John Burns thuộc Đại học Hồng Kông nhận định với Financial Times. Ngoài tình trạng sa sút của thị trường bất động sản và các cuộc biểu tình hồi năm 2019 khiến nền kinh tế Hồng Kông tê liệt, chính sách của Chính phủ Trung Quốc “cũng khiến các doanh nhân lớn của Hồng Kông gặp khó” - theo ông Burns.
Theo một chính sách có từ thời thực dân Anh, chỉ một nhóm nhỏ các gia đình giàu có ở Hồng Kông có thể đấu giá để mua các lô đất trong các cuộc bán đấu giá đất do chính quyền tổ chức. Giá bất động sản tăng trong mấy thập kỷ qua đã khuyến khích các gia tộc này phát triển kinh doanh sang các mảng bán lẻ, hạ tầng và viễn thông.
Tuy nhiên, trong bối cảnh doanh số bán nhà giảm 40% và giá bất động sản nhà ở giảm 15% trong năm ngoái, lợi nhuận của Sun Hung Kai - công ty phát triển bất động sản lớn nhất Hồng Kông về giá trị vốn hoá thị trường - và của New World Development đã giảm tương ứng 36% và 14% trong 6 tháng cuối năm ngoái. Lợi nhuận của Henderson Land giảm 19% trong cả năm 2022.
CK Asset, công ty được sáng lập bởi tỷ phú giàu nhất Hồng Kông Li Ka-shing, có lợi nhuận tăng 2% trong năm ngoái dù doanh số bán nhà của công ty ở Hồng Kông và đại lục giảm 30% trong cả năm. Việc bán bớt tài sản và mảng kinh doanh quán rượu Greene King ở Anh có lãi mà tổng lợi nhuận của CK Asset đạt dương.
Những gương mặt đại diện của 4 gia tộc kinh doanh bất động sản lớn nhất Hồng Kông (từ trên xuống, từ trái qua): nhà họ Li, nhà họ Lee, nhà họ Cheng, và nhà họ Kwok - Ảnh: Financial Times.
Các công ty bất động sản Hồng Kông cũng gặp khó khăn do giai đoạn phong toả chống Covid kéo dài ở Trung Quốc. Doanh thu của họ ở thị trường này trong năm 2022 chỉ đạt 4,8 tỷ USD, giảm 40% so với năm 2021 và là mức thấp nhất kể từ 2019.
Ảnh hưởng chính trị của các tỷ phú bất động sản Hồng Kông cũng suy yếu. Hồi tháng 3, ông Victor Li - con trai cả của ông Li Ka-shing và là Chủ tịch của CK Asset - bị tước vị trí trong uỷ ban thường trực của cơ quan tham vấn chính trị cấp cao nhất của Trung Quốc. Ông Victor Li vẫn sẽ là một thành viên của cơ quan này nhưng mất vị trí ban đầu - một diễn biến khiến nhiều nhà phân tích cảm thấy sốc.
“Thật lạ khi một nhân vật vẫn là một thành viên của Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) nhưng lại bị mất vị trí trong uỷ ban thường trực”, một chính trị gia thân Bắc Kinh nhận xét.
Trong một tuyên bố, ông Victor Li nói ông đã giữ vị trí trong uỷ ban thường trực suốt 2 thập kỷ và “có nhiều cách để phục vụ tổ quốc”.
Giới phân tích nói rằng việc ông Victor Li mất vị trí trên cho thấy nhà họ Li đang mất dần sự “sủng ái” của Bắc Kinh, sau khi ông Li Ka-shing bị Uỷ ban Các vấn đề chính trị và luật pháp Trung ương Trung Quốc cáo buộc “bỏ qua tội lỗi” của những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông hồi năm 2019.
Giáo sư Ho-fung Hung thuộc Đại học Johns Hopkins nói rằng việc Bắc Kinh mất niềm tin đối với các tỷ phú Hồng Kông cũng được thể hiện rõ qua những động thái giảm quyền lực của họ trong cơ quan lập pháp của vùng lãnh thổ.
“Bắc Kinh đã giảm bớt ảnh hưởng chính trị của các doanh nhân lớn của Hồng Kông… Đây là một phần trong sự dịch chuyển chính sách của Bắc Kinh, từ chỗ thân thiện sang hoài nghi đối với các doanh nhân thuộc khu vực tư nhân ở cả đại lục và Hồng Kông”, ông Ho nói.
Trong lúc việc sở hữu nhà vẫn còn là một việc khó đối với hầu hết cư dân Hồng Kông, các tỷ phú ở vùng lãnh thổ này đối mặt với sức ép phải xây thêm nhiều nhà. “Về cơ bản, Bắc Kinh đang nói với các tỷ phú bất động sản Hồng Kông rằng: chúng tôi cần sự hợp tác của các ông, chúng tôi cần sự giúp đỡ của các ông. Nhưng các ông cần làm việc với chúng tôi theo các ưu tiên chính sách của chúng tôi”, ông Burns nhận xét.
Tuy nhiên, sự suy yếu của thị trường bất động sản cũng mang lại cơ hội cho các tỷ phú địa ốc Hồng Kông.
CK Asset và Sun Hung Kai đã trở thành hai doanh nghiệp tích cực nhất trong việc đấu thầu đất dự án nhà ở và đất dự án thương mại ở Hồng Kông vì các công ty từ Trung Quốc đại lục - do chính sách siết kiểm soát của Bắc Kinh đối với hoạt động vay nợ của doanh nghiệp địa ốc - giảm hoạt động.
Dù nguồn cung bất động sản văn phòng ở Hồng Kông được dự báo sẽ dư thừa trong vài năm tới, đã có một số dấu hiệu của sự hồi phục trên thị trường bất động sản nói chung của thành phố Hồi đầu tháng 3, Sun Hung Kai bán hết toàn bộ 352 căn hộ tại một dự án mới, thu về 255 triệu USD. Giá nhà đã qua sử dụng ở Hồng Kông đã tăng ít nhất 7% từ đầu năm đến nay – theo dữ liệu của Centaline.
Nhà phân tích Heron Lim của Moody’s Analytics nhận định với Financial Times: “Các công ty phát triển bất động sản Hồng Kông chưa nợ nhiều tới mức như các doanh nghiệp địa ốc ở đại lục. Nên khi sự phục hồi diễn ra, doanh nghiệp Hồng Kông sẽ ở vào vị thế tốt hơn”.