Bộ Giao thông vận tải vừa đồng ý tăng phí qua trạm thu phí Bắc Hải Vân, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế, áp dụng từ ngày 1/5 với giá thu thấp nhất và cao nhất cho một lượt xe là 110.000 đồng và 280.000 đồng. Mức giá này cao hơn gấp 3 lần so với các trạm BOT thông thường.
Phương án tăng phí này không nhận được sự đồng thuận từ phía người dân và doanh nghiệp vận tải cũng như các hiệp hội vận tải. Nhiều chủ phương tiện đã chọn đi đường đèo thay vì đi hầm, dù xa và mất thời gian hơn.
Nhiều doanh nghiệp vận tải tại khu vực Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế cho rằng việc Bộ Giao thông vận tải cho phép Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả tăng phí sử dụng đường bộ BOT Nam Hải Vân hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 quá cao và không có sự chia sẻ với người dân và doanh nghiệp vận tải, gây ra làn sóng bức xúc.
Theo ông Tô Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng, Hiệp hội đã gửi thông báo về vấn đề này cho các doanh nghiệp thành viên và đang chờ phản hồi để có phương án xử lý, kiến nghị các cơ quan liên quan. “Hiện nay, trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, sức đề kháng của các doanh nghiệp vận tải còn yếu. Các doanh nghiệp đang chuẩn bị lắp camera hành trình cho tất cả xe trước ngày 1/7 theo quy định, nay lại tăng phí trong thời điểm này càng khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn”, ông Hiệp cho biết.
Trước đó, cuối tháng 4, Bộ Giao thông vận tải đã có Văn bản số 2230/BGTVT-ĐTCT đồng ý việc điều chỉnh mức phí tại trạm thu phí Bắc Hải Vân để có nguồn kinh phí duy trì công tác quản lý vận hành và hoàn vốn cho hầm Hải Vân 2 khi đưa vào khai thác. Thời gian điều chỉnh bắt đầu tư 0 giờ ngày 1/5.
Hầm Hải Vân 2 nối tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng được khánh thành ngày 11/1/2021. Dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng.
Công trình có chiều dài 6,2 km, bao gồm cả đường dẫn là 12,4 km, là hầm đường bộ xuyên núi dài nhất Đông Nam Á. Cùng với hầm Hải Vân 1, đã hoàn thành năm 2005, hầm Hải Vân 2 đã tạo nên một công trình hầm đường bộ hoàn chỉnh, phân tách 2 chiều di chuyển riêng cho mỗi ống hầm.
Thời gian di chuyển nếu phương tiện đi qua đường đèo là 45 phút, qua hầm Hải Vân 1 trước đây mất 15 phút. Hiện nay, với 2 ống hầm, thời gian di chuyển chỉ còn khoảng 6 phút.
Cụ thể, theo thông báo của Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả, chủ đầu tư hầm đường bộ Hải Vân 2, đồng thời là đơn vị quản lý vận hành 2 hầm đường bộ Hải Vân, mức thu phí sẽ áp dụng tại trạm BOT này cho 5 loại phương tiện, trung bình từ 110.000 - 280.000 đồng/lượt xe, tăng khá nhiều so với mức trước đây từ 70.000 - 240.000 đồng/lượt xe. Trong đó, mức tăng đối với xe 7 chỗ trở xuống tương đương 64%.
Từ năm 2019 đến nay, Công ty Cổ phần đầu tư Đèo Cả đã 2 lần tăng phí, số tiền mỗi xe con tăng lên hơn 3 lần, từ 35.000 đồng lên 70.000 đồng và bây giờ là 110.000 đồng/lượt.