March 28, 2022 | 17:04 GMT+7

Bảy phát hiện về nền kinh tế thị trường ở Việt Nam

Anh Nhi -

Cho đến nay, Việt Nam vẫn đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhiều yếu tố nền tảng đã hình thành nhưng chậm cải thiện và còn nhiều vấn đề làm cản trở quá trình chuyển đổi…

Để thực hiện khát vọng này đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất hơn nữa nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường nhằm giải phóng, huy động được các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển.
Để thực hiện khát vọng này đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất hơn nữa nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường nhằm giải phóng, huy động được các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển.

Đó là một trong những nhận định được đưa ra trong Báo cáo “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam” được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố ngày 28/3 dưới sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ.

Theo bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, báo cáo lần này tập trung vào nghiên cứu những đổi mới nền tảng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam từ Đổi mới đến nay, nhằm nhận diện những kết quả đạt được, những hạn chế, thách thức cần phải giải quyết để từ đó đưa ra quan điểm, định hướng nội dung trọng tâm cải cách và lộ trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Theo đó, báo cáo do CIEM thực hiện đã chỉ ra 7 kết quả nghiên cứu chính về kinh tế thị trường ở Việt Nam.

Thứ nhất, qua hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với những đổi mới nền tảng từ đổi mới tư duy, cách nhìn nhận về kinh tế thị trường, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua từng kỳ Đại hội của Đảng đến những điều chỉnh về vai trò, chức năng của Nhà nước và bộ máy quản lý nhà nước (trong mối quan hệ với thị trường, xã hội).

Thứ hai, những điều chỉnh nền tảng trên đã mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế và mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội được định hình ngày càng rõ hơn, ngay trong các chủ trương, định hướng của Đảng.

Bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường vận hành. Hệ thống pháp luật kinh tế liên tục được đổi mới phù hợp với quá trình hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam và tiến trình hội nhập quốc tế.

Chỉ số hiệu quả hoạt động của chính quyền giai đoạn 2011-2020.
Chỉ số hiệu quả hoạt động của chính quyền giai đoạn 2011-2020.

Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế thị trường đã được dần hình thành; sở hữu tư nhân, kinh tế tư nhân được thừa nhận và ngày càng khẳng định trong nền kinh tế.

Thứ ba, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.

Sự phối hợp, tương tác giữa Nhà nước, thị trường và xã hội còn bất cập, đặc biệt giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước còn làm thay nhiều việc của thị trường, trong khi chưa thực hiện tốt chức năng của mình, đặc biệt chức năng tạo lập và thực thi hiệu quả khung pháp luật. Hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước cải thiện nhưng không đáng kể, chưa đáp ứng yêu cầu, cải thiện môi trường kinh doanh có xu hướng chững lại và thiếu đồng bộ.

“Các loại thị trường đã hình thành nhưng chậm phát triển, đặc biệt thị trường đất đai. Các chủ thể thị trường, đặc biệt kinh tế tư nhân, phát triển nhưng thiên về số lượng, chất lượng phát triển còn hạn chế”, báo cáo nhấn mạnh.

Thứ tư, nhìn lại 35 năm Đổi mới, CIEM cho biết có nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra.

Đó là đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường; quyết tâm chính trị của các thế hệ lãnh đạo qua từng giai đoạn lịch sử; phát triển sở hữu tư nhân là nền tảng phát triển nền kinh tế thị trường; chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước và cơ chế giám sát, đánh giá quyết định mức độ thành công của quá trình chuyển đổi nền kinh tế và chuyển đổi nền kinh tế phải được tiến hành đồng bộ, nhưng có lộ trình phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế.

Thứ năm, các chuyên gia của CIEM cho rằng thách thức phía trước trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam còn khá lớn, đặc biệt trong xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới; trong giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; trong vấn đề sở hữu và quyền tài sản; trong phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai; trong cải cách doanh nghiệp nhà nước và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và trong các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái.

Điểm số và thứ hạng tự do kinh tế của các nước ASEAN  năm 2021.
Điểm số và thứ hạng tự do kinh tế của các nước ASEAN  năm 2021.

Thứ sáu, Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

“Để thực hiện khát vọng này đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất hơn nữa nền kinh tế Việt Nam sang nền kinh tế thị trường nhằm giải phóng, huy động được các nguồn lực kinh tế - xã hội cho phát triển”, báo cáo khuyến nghị.

Theo đó, trong thời gian tới cần, CIEM cho rằng cần tập trung vào đổi mới tư duy và định hình rõ hơn về mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; cải cách sở hữu và phát triển các lực lượng sản xuất, đặc biệt kinh tế tư nhân; tập trung phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tự; và đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường và sinh thái.

Thứ bảy, mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được hình thành và phát triển trên cơ sở nghiên cứu, đúc rút từ lý luận và thực tiễn phát triển các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới và yêu cầu thực tiễn phát triển của Việt Nam.

Xây dựng và hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không phải là tạo ra một mô hình kinh tế thị trường hoàn toàn mới, mà là sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường như một công cụ để phát triển.

“Định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng để các chủ thể kinh tế thị trường vận động theo hướng đạt được các mục tiêu phát triển, không chỉ mục tiêu kinh tế mà bao hàm các mục tiêu xã hội, môi trường, sinh thái, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn hướng đến thế hệ tương lai”, báo cáo khẳng định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate