March 13, 2024 | 17:00 GMT+7

Bê bối tiền lương của Tổng thống Argentina

Bình Minh -

Trong lúc Chính phủ thắt lưng buộc bụng, Tổng thống Javier Milei bị cho là tự tăng lương của mình lên gấp rưỡi...

Tổng thống Argentina Javier Milei - Ảnh: Bloomberg.
Tổng thống Argentina Javier Milei - Ảnh: Bloomberg.

Tổng thống Argentina Javie Milei đang vướng vào một vụ bê bối tiền lương. Chính phủ dân tuý cánh hữu của ông đang thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng, nhưng ông lại bị cho là tự tăng lương của mình lên gấp rưỡi.

Đây là vụ bê bối đầu tiên của chính quyền ông Milei - một nhà kinh tế học theo trường phái tự do vừa lên cầm quyền vào cuối năm ngoái, theo hãng tin CNBC.

Đầu tuần này, ông Milei bất ngờ tuyên bố sa thải Bộ trưởng Bộ Lao động Omar Yasin, sau khi đối mặt với sự công kích mạnh mẽ từ các nghị sỹ phe đối lập. Trong vụ việc gây chấn động này, tiền lương tháng của vị Tổng thống tăng từ mức hơn 4 triệu peso, tương đương 4.700 USD theo tỷ giá chính thức của Argentina, vào tháng 1 lên mức hơn 6 triệu peso, tương đương gần 7.100 USD, vào tháng 2.

Quyết định sa thải ông Yasin liên quan tới bê bối này được ông Milei đưa ra trong một cuộc trả lời phỏng vấn phát trên sóng truyền hình. Ông nói rằng việc tăng lương cho bản thân ông và các quan chức chính phủ khác là “một sai lầm không đáng có”. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ông Yasin có phải là người có vai trò giám sát vụ tăng lương hay không.

Phe đối lập ông Milei “đạo đức giả”, cho rằng chính ông đã “đạo diễn” việc tăng lương này trong lúc thắt chặt chi tiêu chính phủ. Cuối tuần vừa rồi, đảng đối lập cánh tả Peronist đã công bố chi tiết một sắc lệnh yêu cầu tăng lương có chữ ký của Tổng thống.

Sau khi sa thải Bộ trưởng Bộ Lao động, ông Milei đã tự đưa lương của ông và các thành viên nội các về mức cũ. Giải thích về việc tăng lương, ông nói rằng mức lương đã tăng tự động theo các quy định do chính các chính quyền Peronist tiền nhiệm đặt ra mà theo đó lương công chức tăng theo lạm phát. Tốc độ lạm phát ở Argentina hiện nay là 250%/năm.

Giới phân tích cho rằng sự việc này có thể gây tổn hại cho ông Milei - người đắc cử tổng thống vào tháng 11/2023 với cam kết kép gồm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất của Argentina trong hai thập kỷ và loại bỏ các đặc quyền dành cho giới tinh hoa chính trị mà ông đổ lỗi chính là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng này.

Vị Tổng thống nắm phe thiểu số trong Quốc hội Argentina đã nhiều lần nói rằng ông sẽ dựa vào sự ủng hộ của người dân để gây áp lực đòi các nghị sỹ ủng hộ việc mạnh tay cắt giảm chi tiêu và nới lỏng các quy định giám sát.

Ông Cristian Buttie, Giám đốc công ty thăm dò ý kiến ​​CB Consultora, nhận định: “Chính phủ Argentina không nên có một sai lầm như thế này. Điều này làm suy yếu nỗ lực thắt lưng buộc bụng”. Ông Buttie nói thêm rằng các cuộc thăm dò vào cuối tuần vừa rồi cho thấy có sự suy giảm nhẹ trong tỷ lệ người Argentina có cái nhìn tích cực về ông Milei so với hồi tháng 2.

“Một vòng xoáy suy giảm hình ảnh sẽ đặc biệt nguy hiểm đối với một tổng thống ‘ngoại đạo’ có ít đồng minh trong Quốc hội hay sự ủng hộ của lãnh đạo các địa phương”, vị chuyên gia nhận xét.

Giám đốc Lucas Romero của công ty tư vấn chính trị Synopsis ở Buenos Aires cho rằng phản ứng của người dân Argentina đối với vụ bê bối tiền lương của ông Milei có thể sẽ được quyết định bởi việc ông có thể xoay chuyển nền kinh tế nhanh chóng như thế nào.

Giới chuyên gia dự báo lạm phát tháng 2 ở Argentina là 15%, giảm so với mức 20,6% ghi nhận trong tháng 1 nhưng vẫn thuộc hàng cao nhất thế giới.

“Nếu mọi người cho rằng nền kinh tế không đi xuống nhanh như trước kia, vụ bê bối có thể lắng xuống. Nhưng nếu Chính phủ không cho thấy kết quả tích cực nào, nguời dân sẽ nổi giận”, ông Romero nhận định.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate