March 27, 2024 | 22:30 GMT+7

Bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng đột biến vào đầu năm 2024

Thu Hằng -

Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp, nhiều nơi ghi nhận ca bệnh tăng đột biến. Năm qua, cả nước cũng ghi nhận số lượng người tiêm vaccine phòng dại tăng vọt. Từ đầu năm đến nay, khoảng 143.000 người đi tiêm phòng dại...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 27/3, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến liên ngành tăng cường công tác phòng, chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2024”.

CÁC LOẠI DỊCH BỆNH DIỄN BIẾN PHỨC TẠP, XU HƯỚNG GIA TĂNG

Hơn 2 thập kỷ qua, nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi đã xảy ra trên toàn thế giới như dịch hạch, SARS, cúm gia cầm A(H5N1), đại dịch cúm A(H1N1), MERS-CoV, Ebola, và gần đây nhất là đại dịch Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người cũng như tác động lớn đến kinh tế, xã hội của các quốc gia.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Lương cho biết qua báo cáo, theo dõi, giám sát của các đơn vị y tế dự phòng ngành y tế, cho thấy tình hình dịch bệnh đầu năm 2024 trong nước đang có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là một số bệnh lây truyền từ động vật sang người như dại, cúm A(H5N1) trong thời gian gần đây.

Trong các bệnh lây truyền từ động vật sang người, cúm gia cầm và bệnh dại thuộc 5 bệnh truyền nhiễm ưu tiên theo Thông tư Liên tịch số 16/TTLT-BYT-BNNPTNT-2013.

Với cúm A(H5N1), sau 8 năm kể từ năm 2014 không ghi nhận ca mắc mới, trong tháng 8/2022 và tháng 3/2024 đã ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc mới, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Đối với bệnh dại, đây là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao trên thế giới, cũng như tại Việt Nam. Từ năm 2023 đến nay, tình hình bệnh dại tại Việt Nam diễn biến phức tạp.

Từ đầu năm 2024, số ca mắc tiếp tục gia tăng đột biến, với 27 trường hợp tử vong do dại, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm ngoái (tăng xấp xỉ 170%).

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Lương. Ảnh: Tuấn Dũng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Lương. Ảnh: Tuấn Dũng.

Thông tin cụ thể hơn về tình hình dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết khoảng 75% các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người, hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật.

Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: A(H5N1), SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…Có 14/45 bệnh truyền nhiễm phải báo cáo là bệnh lây truyền từ động vật, trong đó có 10 bệnh phải báo cáo trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh.

Riêng với bệnh dại, từ đầu năm đến nay đã có 16/63 tỉnh có ca bệnh dại trên người. Trong đó, miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước, với 9 ca. Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca). 

Năm qua, cả nước cũng ghi nhận số lượng người tiêm vaccine phòng dại tăng vọt, tăng xấp xỉ 45% so với 2022. Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 143.000 người đi tiêm phòng dại, tương đương cùng kỳ năm 2023.

Theo ông Đức, thực tế 100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định. Thiệt hại về kinh tế tiêu tốn 800 tỷ đồng/năm chỉ riêng cho vaccine, và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp…

TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, bên cạnh yếu tố dịch bệnh diễn biến khó lường, công tác phòng chống dịch cũng còn gặp rất nhiều khó khăn.

Đơn cử, nguồn gây bệnh trên động vật nên ngành y tế không thể đơn phương kiểm soát, đòi hỏi có sự phối hợp giữa nhiều ngành, đơn vị. Tuy nhiên sự phối hợp liên ngành không đồng bộ, một số địa phương còn hạn chế.

TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng.
TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thông tin tại hội nghị. Ảnh: Tuấn Dũng.

Về kinh phí phòng chống dịch, mỗi năm Chương trình phòng, chống dại của Bộ Y tế được cấp 2 tỷ đồng cho tất cả các hoạt động, do đó chủ yếu tập trung vào công tác giám sát và xử lý ổ dịch.

Về phía người dân cũng e ngại việc tiêm vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ, dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận. Đặc biệt, giá vaccine dại tương đối cao, từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/liệu trình, gây khó khăn trong việc chi trả của người nghèo, dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa.

Cùng với đó, tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp, dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật, và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người. Công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo, dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người. 

Mặt khác, nhận thức người dân về sự nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại còn hạn chế, dẫn đến chủ quan, lơ là trong điều trị sau khi bị chó, mèo cắn. Đặc biệt trẻ em khi bị cắn thường không nói với gia đình.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, với nguồn bệnh lây truyền từ động vật, việc kiểm soát nguồn lây khó khăn, nên công tác phòng, chống và kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật sang người không chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành y tế, hoặc ngành thú y mà cần sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên.

Đồng thời cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương các cấp, các Bộ, ban ngành liên quan, đặc biệt là sự tham gia chủ động của người dân, cộng đồng.

Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng nhận định, trong thời gian tới, nguy cơ các ổ dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người vẫn tiếp tục xảy ra.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Vì thế, hai Bộ kiến nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, và các Bộ, ngành.

Đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương huy động nguồn lực, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, quan tâm đến các bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Trong đó, quan tâm bố trí kinh phí, nguồn nhân lực cho việc triển khai các hoạt động phòng, chống dịch, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, bảo vệ đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm gia cầm an toàn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, và đẩy mạnh xuất khẩu gia cầm và sản phẩm gia cầm.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate