Các nhà khoa học Đan Mạch mới đây đã đưa ra nghiên cứu về sự biến đổi trong cơ thể người trong 1 giờ đồng hồ sau khi uống 1 chai nước ngọt có gas. Cụ thể, sau 10 phút, một lượng đường tương đương khoảng 10 thìa cà phê sẽ được đưa vào cơ thể bạn, tức là 100% đường bạn cần trong ngày. Sau 20 phút, lượng đường trong máu tăng vọt. Insulin cũng được giải phóng. Gan nhanh chóng tiếp nhận và chuyển hóa đường thành chất béo...
Thực tế, uống nước ngọt nhiều làm tăng nguy cơ mắc cũng như kém kiểm soát bệnh ở những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, các bệnh gan, ung thư, bệnh gút, bệnh loãng xương ở người cao tuổi. Nước ngọt chứa rất nhiều phốt pho. Việc uống nhiều nước ngọt sẽ khiến cho hệ xương ở người trưởng thành hấp thụ nhiều phốt pho hơn lượng canxi sẽ khiến cho mật độ cũng như sự chắc khỏe của xương không được tốt.
Khi uống nước ngọt sẽ làm tăng môi trường axit trong miệng sẽ tạo điều kiện rất tốt để vi khuẩn phát triển gây sâu răng. Mặt khác, đường trong nước ngọt lại là nguồn thức ăn vô hạn cho vi khuẩn phát triển. Riêng đối với trẻ nhỏ, uống nhiều nước ngọt làm giảm khả năng hấp thụ canxi, ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao ở trẻ. Bên cạnh đó, việc uống nước ngọt khiến cho người trẻ mắc các chứng bệnh tim mạch, đái tháo đường sớm hơn so với người trẻ có lối sống lành mạnh.
Các nhà khoa học Đan Mạch cũng tìm ra những dấu hiệu cho thấy, nước ngọt khiến chúng ta đối mặt với nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường. Nếu uống soda mỗi ngày liên tục trong 6 tháng sẽ dẫn đến sự tích tụ mỡ thừa xung quanh gan và cơ xương. Điều này còn có thể dẫn đến nguy cơ kháng insulin trong cơ thể và dẫn tới nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường cao hơn bình thường.
Trong khi đó, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện chất gây ung thư viết tắt là 4-MIE có trong một số loại nước ngọt có gas. Chất 4-MIE nằm trong caramel làm màu cho nước giải khát. Thử nghiệm của các nhà khoa học cho thấy, hóa chất này có thể gây ra ung thư phổi, gan, tuyến giáp và bệnh bạch cầu ở chuột.
Tại Việt Nam, PGS.TS Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay trung bình mỗi ngày một người tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do, cao gần gấp đôi so với mức khuyến cáo có lợi cho sức khỏe của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Thực trạng trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, từ đó góp phần giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong.
Tại hội thảo cung cấp thông tin về tác hại của đồ uống có đường với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng, PGS.TS.BS Trương Tuyết Mai cũng thông tin: tình trạng béo phì ở trẻ em đang tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam. Ở các thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ có thể lên tới 40%. Con số này ở người trưởng thành là 20%, có địa phương lên tới gần 30%.
"Để hạn chế tiêu thụ đường, chúng ta cần có ý thức hạn chế cho thêm đường, sử dụng các sản phẩm ít đường hoặc không đường để đảm bảo cơ thể có sự cân đối lành mạnh giữa các dinh dưỡng. Lượng đường tự do tiêu thụ một ngày không nên quá 25g, đồng thời chúng ta nên có thói quen đọc nhãn sản phẩm để lượng đường ăn vào là bao nhiêu. Trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường", PGS Mai khuyến cáo.
Để giảm tình trạng tiêu thụ đường không hợp lý và tác hại của đồ uống có đường, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị các quốc gia triển khai kết hợp 3 giải pháp: áp thuế với đồ uống có đường, giáo dục truyền thông và hạn chế quảng cáo đồ uống có đường đối với trẻ em.
TS. Angela Pratt, Trưởng đại điện Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, cho biết: "Điều chúng tôi thực sự muốn thấy là những chiến lược nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường như nâng cao nhận thức về nguy cơ từ việc dùng quá nhiều đồ ngọt, bao gồm cả các trường học, đảm bảo không cung cấp hoặc bán đồ uống có đường cho học sinh. Trong nhiều chiến lược, điều chúng tôi thực sự mong muốn Chính phủ xem xét là việc áp thuế để tăng giá đồ uống có đường. Đây là một chiến lược đã thực hiện ở nhiều quốc gia, có tác động hiệu quả đến việc giảm tiêu thụ đồ uống có đường".
Hiện đã có hơn 100 quốc gia trên thế giới đã đánh thuế đối với đồ uống có đường nhằm ngăn chặn tình trạng thừa cân và các bệnh liên quan đến nước uống có đường. Trong nhiều năm qua, việc đánh thuế đồ uống có đường đã giúp hạn chế việc tiêu thụ đường, ngăn chặn tình trạng béo phì đồng thời tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Mexico, một trong những quốc gia tiêu thụ đồ uống có đường cao nhất thế giới và cũng là nước có tỷ lệ người béo phì cao nhất, đã áp thuế 1 Peso (gần 500 đồng) đối với 1 lít đồ uống có đường từ năm 2014. Khoản thuế này đã khiến giá nước giải khát có đường tăng khoảng 11% và giảm 37% số lượng tiêu thụ. Các nhà chức trách Mexico dự đoán trong 10 năm tới, việc áp thuế đối với đồ uống có đường ở nước này sẽ ngăn chặn được 240 nghìn trường hợp béo phì, đặc biệt là ở trẻ em.
Từ tháng 4/2018, Anh đã đánh thuế 2 mức đối với đồ uống có đường. Nếu đồ uống có chứa từ 5 - 8 gram đường/100 ml sẽ phải chịu mức thuế là 0,18 Bảng (gần 6.000 đồng) mỗi lít. Nếu đồ uống chứa hơn 8 gram đường/100 ml sẽ phải chịu mức thuế là 0,24 Bảng (gần 8.000 đồng) mỗi lít. Việc áp thuế đối với đồ uống có đường đã giúp giảm 45 triệu kg đường trong nước giải khát tại nước Anh mỗi năm.
Thái Lan cũng đã áp thuế đồ uống có đường từ tháng 9/2017. Đồ uống có chứa hàm lượng đường quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới là 6 gram/100 ml sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu đồ uống có trên 14 gram đường/100 ml sẽ chịu thuế lên tới 5 Baht/lít (khoảng 3.500 đồng/lít). Cứ sau 2 năm, các nhà chức trách sẽ xem xét việc tăng thuế để các nhà sản xuất đồ uống điều chỉnh giảm lượng đường trong các sản phẩm của mình.
Tại Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 tới đây và thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025, lần đầu tiên đồ uống có đường thuộc danh mục hàng hóa đề xuất áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt. Hy vọng là những biện pháp tác động về mặt kinh tế sẽ giúp thay đổi phần nào thói quen của người tiêu dùng, trong việc sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống này.