December 04, 2020 | 08:19 GMT+7

Bệnh viện Mỹ có nguy cơ quá tải vì lượng bệnh nhân Covid-19 cao kỷ lục

An Huy

Trước khi vaccine được tiêm rộng rãi, Covid-19 có thể trở thành cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử Mỹ

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị ở Mỹ đã lần đầu tiên vượt con số 100.000 ca, đặt ra nguy cơ quá tải ở nhiều nơi. Bang California đang tính yêu cầu người dân ở yên trong nhà để hạn chế tốc độ lây lan chóng mặt của virus corona chủng mới.

Theo hãng tin Reuters, trả lời phỏng vấn báo giới ngày 3/12, Thống đốc Gavin Newsom của California cho biết lệnh phong tỏa có thể sẽ được đưa ra tại bất kỳ vùng nào trong số 5 vùng dân cư của bang này trong vòng 48 giờ đồng hồ sau khi số giường bệnh chăm sóc đặc biệt còn trống tại các bệnh viện thuộc vùng đó giảm xuống mức 15% hoặc ít hơn.

"Nếu chúng tôi không hành động ngay, hệ thống bệnh viện của chúng tôi sẽ bị quá tải", ông Newsom nói.

Tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm, các quán bar, quán rượu, dịch vụ cá nhân và hiệu làm tóc, làm móng… sẽ phải đóng cửa. Các nhà hàng chỉ được bán đồ ăn mang đi và giao hàng. Công suất hoạt động của các điểm bán lẻ sẽ giới hạn ở mức 20% - theo vị Thống đốc. Tuy nhiên, các trường học vẫn sẽ mở cửa.

Nếu được triển khai, lệnh cấm trên sẽ trở thành một trong những sáng kiến cứng rắn nhất mà hàng loạt tiểu bang của Mỹ đang áp dụng để chống lại làn sóng Covid-19 thứ ba ở nước này. Theo dự báo, trong 2 tháng tới đây, mỗi ngày Mỹ có thể có 3.000 người thiệt mạng vì Covid-19.

Hôm thứ Tư tuần này, số ca tử vong trong ngày vì Covid-19 ở Mỹ đã đạt con số cao thứ nhì kể từ khi có dịch, với 2.811 người chết - theo dữ liệu của Reuters. Con số này xấp xỉ mức kỷ lục thiết lập hôm 15/4.

Ông Robert Redfield, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), ngày 2/12 cảnh báo rằng trong vài tháng tới đây, trước khi vaccine được tiêm rộng rãi, Covid-19 sẽ trở thành cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất lịch sử Mỹ.

"Tôi tin rằng chúng ta đang bước vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử ngành y tế của quốc gia này", ông Redfield nói, dự báo Mỹ có thể mất 3.000 người mỗi ngày vì Covid-19 trong 2 tháng tới đây. Số ca tử vong hàng ngày như vậy lớn hơn cả số người thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ hôm 11/9/2001.

"Trước tháng 2, số người chết vì Covid-19 ở Mỹ từ khi có dịch có thể lên tới gần 450.000 người", ông Redfield nói.

Đến hiện tại, Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của khoảng 273.000 người ở Mỹ.

Các bệnh viện trên toàn nước Mỹ đang căng mình chữa trị cho các bệnh nhân Covid-19, buộc lãnh đạo các bang phải áp các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch và giữ cho hệ thống y tế khỏi rơi vào tình trạng quá tải.

Thống đốc Mike DeWine của bang Ohio ngày 3/12 nói rằng các bệnh viện của bang này "không chỉ vẫn đang ở trong tình trạng khủng hoảng, mà cuộc khủng hoảng đang trở nên tồi tệ hơn". Thống đốc Gretchen Whitmer của bang Michigan cho biết có thể gian hạn lệnh tạm ngừng một số dịch vụ cá nhân và hoạt động kinh tế vì các bệnh viện tại địa phương đang căng thẳng.

Vaccine ngừa Covid-19 đang là một tia hy vọng cho nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Vaccine của Pfizer và của Moderna có thể được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép để sử dụng khẩn cấp trong tháng này.

Một ủy ban gồm các cố vấn bên ngoài của FDA sẽ họp vào ngày 10/12 để thảo luận về việc có nên cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer. Giới chức y tế Mỹ dự báo những mũi tiêm đầu tiên sẽ được thực hiện vài ngày hoặc tuần sau khi có cấp phép. Vaccine của Moderna sẽ được ủy ban của FDA xem xét vào ngày 17/12.

Phát biểu tại một cuộc gặp với hãng vận chuyển FedEx ngày 3/12, Phó tổng thống Mike Pence nói Nhà Trắng dự kiến vaccine sẽ bắt đầu được phân phối trong vòng 24 giờ sau khi có cấp phép, và việc tiêm sẽ bắt đầu trong 24 giờ sau khi vaccine được phân phối.

Một cuộc khảo sát của viện Gallup được công bố kết quả hôm 17/11 cho thấy 58% người Mỹ nói họ sẽ tiêm chủng Covid-19, tăng so với mức 50% vào tháng 9. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng tỷ lệ như vậy là chưa đủ để tạo miễn dịch rộng rãi. Ngoài ra, nhiều người Mỹ hiện nay vẫn từ chối tuân thủ các hướng dẫn y tế cơ bản như đeo khẩu trang và tránh các đám đông.

Ba cựu Tổng thống Mỹ gồm ông Barack Obama, ông George W. Bush và ông Bill Clinton đã tình nguyện tiêm chủng Covid-19 và ghi hình việc này để phát sóng nhằm quảng bá về tính an toàn của vaccine.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate