October 30, 2024 | 14:31 GMT+7

Béo phì là một căn bệnh mạn tính và là dịch bệnh toàn cầu

Hoài Phương -

Béo phì đang ảnh hưởng đến hơn một tỷ người trên toàn thế giới, bao gồm cả trẻ em. Con số thống kê của WHO được công bố vào Ngày Béo phì thế giới hồi tháng 3 năm nay cho thấy, căn bệnh đang gia tăng ở các nước thu nhập thấp và trung bình…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo nghiên cứu trên của Tổ chức Y tế thế giới, từ năm 1990 đến năm 2022, tỷ lệ béo phì trong dân số thế giới đã tăng gấp 4 lần ở trẻ em và thanh thiếu niên và tăng gấp đôi ở người lớn. Giáo sư Francesco Branca, Giám đốc bộ phận “Dinh dưỡng cho sức khỏe và phát triển” của WHO, lưu ý béo phì đang tiến triển “nhanh hơn dự đoán”. Giáo sư Majid Ezzati của trường Imperial College London (Anh), một trong những tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ngưỡng một tỷ người mắc bệnh béo phì hiện nay vốn ban đầu được dự kiến sẽ xảy ra vào năm 2030.

GÁNH NẶNG Y TẾ VÀ THIỆT HẠI KINH TẾ

Nghiên cứu cũng cho thấy, một số quốc gia có thu nhập thấp hoặc trung bình, đặc biệt là ở Polynesia và Micronesia, Caribe, Trung Đông và Bắc Phi, tỷ lệ béo phì hiện nay cao hơn nhiều quốc gia công nghiệp phát triển, đặc biệt là ở châu Âu. Giáo sư Francesco Branca nhận xét: “Trước đây, chúng ta có xu hướng coi béo phì là vấn đề của các nước giàu, thì giờ đây nó là đại dịch của toàn cầu”. Ngược lại, tình trạng béo phì đang có xu hướng suy giảm ở một số quốc gia Nam Âu, đặc biệt là đối với phụ nữ. Tây Ban Nha và Pháp là những ví dụ đáng chú ý.

Theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tỷ lệ béo phì ở trẻ em chiếm khoảng 20%, đặc biệt đáng lo ngại. Trẻ em béo phì có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao và tiểu đường hơn những trẻ có cân nặng khỏe mạnh, đồng thời có nhiều khả năng mắc chứng béo phì khi trưởng thành. CDC Mỹ cảnh báo cái giá mà bệnh béo phì gây ra cho nền kinh tế nước này là rất lớn, khiến hệ thống y tế nước này thiệt hại gần 173 tỷ USD mỗi năm.

Trẻ em béo phì có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao và tiểu đường hơn những trẻ có cân nặng khỏe mạnh.
Trẻ em béo phì có nhiều nguy cơ bị huyết áp cao và tiểu đường hơn những trẻ có cân nặng khỏe mạnh.

Tương tự, theo hãng tin Reuters, ngày 22/10 vừa qua, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) lần đầu tiên công bố bộ hướng dẫn nhằm chuẩn hóa việc chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì. Bộ hướng dẫn cung cấp các quy định và hướng dẫn liên quan đến dinh dưỡng lâm sàng, điều trị phẫu thuật, can thiệp hành vi và tâm lý, cũng như can thiệp tập luyện thể dục đối với bệnh nhân.

NHC cho biết đến năm 2030, tỉ lệ người thừa cân hoặc béo phì ở đất nước tỉ dân này có thể lên đến 65,3% dân số. “Béo phì đã dần trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng tại Trung Quốc, đứng thứ sáu trong danh sách những yếu tố có thể dẫn đến tử vong và tàn tật hàng đầu của quốc gia”, bộ hướng dẫn cho biết. Một mặt, sự phát triển công nghệ ở Trung Quốc khiến nhiều công việc không yêu cầu vận động, có thể ngồi một chỗ để làm việc. Mặt khác, sự suy giảm kinh tế kéo dài của quốc gia lại buộc người dân phải chọn những chế độ ăn rẻ tiền và kém lành mạnh để duy trì cuộc sống.

Từ tháng 7 năm nay, NHC và 15 cơ quan chính phủ khác đã phát động các chiến dịch nhằm nâng cao nhận thức người dân chống lại bệnh béo phì. Được dự kiến sẽ kéo dài trong ba năm, chiến dịch xoay quanh bảy khẩu hiệu: “Cam kết suốt đời, giám sát chủ động, chế độ ăn cân bằng, hoạt động thể chất, giấc ngủ tốt, mục tiêu hợp lý và hành động từ gia đình”. Các hướng dẫn sức khỏe cũng đã được gửi đến các trường tiểu học và trung học cơ sở, khuyến khích việc thực hiện các thói quen ăn uống lành mạnh - bao gồm giảm muối, đường và dầu ăn.

GẦN 1/5 DÂN SỐ VIỆT NAM GẶP TÌNH TRẠNG THỪA CÂN

Tại Việt Nam, chỉ trong nửa đầu năm 2024, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM ghi nhận hơn 66.000 trường hợp bệnh nhân thừa cân và gần 87.000 trường hợp béo phì. Theo các bác sỹ, Việt Nam đang có tỷ lệ béo phì gia tăng cao hàng năm là 38% so với mức 10 - 20% ở các quốc gia Đông Nam Á khác và có gần 1/5 dân số đang gặp tình trạng thừa cân.

Bép phì là bệnh, đồng thời cũng là thủ phạm gây ra hơn 200 bệnh khác nhau.
Bép phì là bệnh, đồng thời cũng là thủ phạm gây ra hơn 200 bệnh khác nhau.

Trong buổi gặp gỡ và trao đổi thông tin khoa học giữa Công ty Novo Nordisk Việt Nam, ThS.BS Phương Lễ Trí, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Tâm Anh cho biết, hiện nay bệnh béo phì vẫn chưa được hiểu đúng một cách rộng rãi. Tình trạng rất nhiều thông tin sai lệch đang ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn do sự phát triển của các mạng xã hội hiện đại, lan truyền nhanh chóng qua nhiều kênh truyền thông khác nhau.

BS.CKII Trương Thị Vành Khuyên, Đơn vị Nội tiết - Đái tháo đường, Trung tâm Giảm cân Tâm Anh, cho biết: "Cần coi béo phì là một căn bệnh mạn tính. Đồng thời, béo phì cũng là thủ phạm gây ra hơn 200 bệnh khác nhau". Bác sĩ Khuyên giải thích mô mỡ có thành phần chủ yếu là tế bào mỡ xuất hiện khắp nơi như dưới da, trong các cơ quan nội tạng (mỡ nội tạng), trong các khoang xương (mỡ tủy xương). Mô mỡ dư thừa làm tăng tình trạng viêm toàn thân, dẫn đến đề kháng insulin, rối loạn chuyển hóa, xơ vữa động mạch, suy giảm khả năng miễn dịch...

Tim mạch là bệnh lý thường gặp nhất ở người béo phì. 65-78% trường hợp béo phì, thừa cân bị tăng huyết áp nguyên phát, tức không xác định được nguyên nhân, theo bác sĩ Khuyên. Rối loạn lipid máu ở người trẻ tuổi, thừa cân, béo phì cũng là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến bệnh tim mạch.

Cảnh báo này được BSCK2 Đinh Thị Xuân Mai, Trung tâm Y khoa Hoàn Mỹ Gold, đưa ra tại hội nghị khoa học năm 2024 chủ đề "Chăm sóc sức khỏe toàn diện - Cập nhật và phát triển". Một nghiên cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn được tiến hành từ 9/2023 đến 6/2024 trên 340 người thừa cân, béo phì cho thấy tỉ lệ rối loạn lipid máu ở người thừa cân béo phì độ tuổi 20 - 40 là rất cao. 

Gan cũng là bệnh thường gặp ở người béo phì, do nồng độ triglyceride và axit béo tự do trong máu tăng. Sự tích tụ mỡ trong cơ thể còn ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây ra một loạt các bất thường về chuyển hóa và bệnh tật, bao gồm kháng insulin, tăng hoặc giảm đường huyết, rối loạn chức năng tế bào β (trong đó có tế bào beta tuyến tụy có chức năng tiết insulin)... Chính những yếu tố trên làm phát triển các bệnh nội tiết, điển hình là tiểu đường type 2 ở người thừa cân, béo phì.

Điều trị thừa cân, béo phì không chỉ giúp giảm cân đơn thuần mà còn hỗ trợ giảm mỡ nội tạng, đẩy lùi nhiều bệnh.
Điều trị thừa cân, béo phì không chỉ giúp giảm cân đơn thuần mà còn hỗ trợ giảm mỡ nội tạng, đẩy lùi nhiều bệnh.

Ngoài ra, bệnh cơ xương khớp xảy ra do mỡ thừa làm tăng tải trọng lên khớp, thay đổi thành phần cơ thể, tăng adipokine (các cytokine được sản xuất ở tế bào mô mỡ) gây viêm trong hệ tuần hoàn toàn thân. Những cơ chế gây viêm, kháng insulin ở người thừa cân cũng là yếu tố gây ngưng thở khi ngủ, trào ngược dạ dày thực quản, trầm cảm, hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư...

“Điều trị thừa cân, béo phì không chỉ giúp giảm cân đơn thuần mà còn hỗ trợ giảm mỡ nội tạng, đẩy lùi nhiều bệnh", bác sĩ Khuyên nói. “Giảm 5 -15% cân nặng trong khoảng 6 tháng mang lại nhiều lợi ích, phòng biến chứng do thừa cân, béo phì. Người có BMI lớn hơn 35 kg/m2 có thể cân nhắc giảm 20% trọng lượng cơ thể để sức khỏe tốt hơn”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate