Sau một thời gian tăng trưởng mạnh nhờ giá thép trong nước và thế giới tăng trở lại, cổ phiếu nhóm thép đã điều chỉnh về vùng giá của đầu năm như HPG giảm gần 14% trong vòng 1 quý, HSG giảm 8,5%; NKG giảm 17,38%... Diễn biến cổ phiếu ngành thép đang tiêu cực hơn so với thị trường chung, đồng pha với nhóm bất động sản khi đây là hai nhóm ngành có mối liên quan mật thiết với nhau.
Áp lực điều chỉnh của cổ phiếu ngành thép một phần đến từ diễn biến giá thép thời gian gần đây cùng với việc thị trường lớn EU điều tra chống bán phá giá thép cán nóng Việt Nam, mới đây nhất là Ấn Độ.
Theo thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), ngày 14/8/2024, Tổng vụ Phòng vệ thương mại Ấn Độ đã khởi xướng vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng có xuất xứ hoặc xuất khẩu từ Việt Nam.
Cụ thể là thép cuộn cán nóng hợp kim hoặc không hợp kim; không phủ, không mạ hoặc tráng, có độ dày lên đến 25mm và chiều rộng lên đến 2100 mm thuộc các mã HS: 7208; 7211; 7225; 7226. Sản phẩm bị điều tra không bao gồm thép cuộn không gỉ cán nóng.
Thời kỳ điều tra bán phá giá (POI): 01/01/2023 đến 31/3/2024 (15 tháng). Thời kỳ điều tra thiệt hại: 01/4/2020-31/3/2021, 01/4/2021-31/3/2022, 01/4/2022-31/3/2023 và POI.
Điểm tích cực hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp ngành thép là trong nước, ngày 14/06/2024, Bộ Công thương đã khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Với số liệu thu thập được, chứng khoán BSC tin rằng Bộ Công thương sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời trong Quý 1/2025 và áp thuế chống bán phá giá chính thức vào Quý 3/2025.
Năm 2025, BSC kỳ vọng sản lượng thép mạ trong nước tăng 20% so với cùng kỳ nhờ áp thuế chống bán phá giá thép mạ, Thị trường bất động sản trong nước phục hồi. Nhìn lại năm 2017, ngành tôn mạ trong nước tăng 20% sau khi áp thuế chống bán phá giá thép mạ (AD02), trong khi đó tăng trưởng 20% nhờ mức nền thấp của năm 2024.
Thị trường nội địa sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa sau năm 2024. Cụ thể, trong Quý 2/2024, sản lượng thép nội địa toàn ngành đạt 5 triệu tấn tăng 30%. Với việc mặt bằng sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 1,7 triệu tấn/tháng tăng 30% so với quý liền trước và tăng 7% so với Quý cao điểm Q4/2023, BSC cho rằng ngành thép nội địa đang dần hồi phục.
Sang Quý 3/2024, sản lượng nội địa sẽ giảm 10-15% do tính mùa vụ, tuy nhiên, xu hướng phục hồi sẽ tiếp tục vào cuối năm 2024 - 2025 nhờ thị trường Bất động sản trong nước ấm lên. Dự báo sản lượng thép nội địa sẽ tăng 10-15% trong năm 2024.
Đối với thị trường xuất khẩu, tăng trưởng sẽ chậm dần về cuối năm. Cụ thể, trong Quý 2/2024, sản lượng thép xuất khẩu toàn ngành đạt 2 triệu tấn giảm 10% so với cùng kỳ. Với việc một số quốc gia lớn đã bắt đầu đảo chiều chính sách lãi suất - phần nào phản ánh nền kinh tế đang chậm lại, bên cạnh đó, một số cũng đưa ra các rào cản thương mại đối với thép Việt Nam, sản lượng xuất khẩu sẽ giảm dần về cuối năm, tương đương giảm khoảng 7% - 8% trong năm 2024 – 2025.
Đối với giá thép, trong quý 2/2024, giá thép Trung Quốc giảm 3% theo quý và -5% theo năm. Nguyên nhân là do kênh tiêu thụ trong nước Trung Quốc vẫn yếu, trong khi đó, kênh xuất khẩu sang EU, Mỹ có tín hiệu chậm lại, tạo áp lực giảm lên giá thép. Điều này tạo áp lực giảm cho giá thép trong nước trong quý 2 đã giảm 5% theo quý và giảm 10% theo năm.
BSC kỳ vọng đà giảm sẽ chậm dần về cuối Quý 3, hỗ trợ bởi các đại lý nhập hàng trở lại trong cuối năm. Lưu ý rủi ro giá thép trong xu hướng giảm nhanh trong năm 2025 trong trường hợp kinh tế toàn cầu suy thoái, kéo theo nhu cầu thép tại EU, Mỹ sụt giảm nhanh.
Về tình hình kinh doanh, kết quả kinh doanh của nhóm thép nhìn chung đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và so với quý trước đó, chủ yếu đến từ sản lượng nội địa phục hồi, biên lợi nhuận gộp vẫn ở mức tích cực khi các công ty đẩy kênh nội địa vốn có biên lợi nhuận gộp tốt hơn, các công ty tôn mạ đẩy mạnh nhập khẩu tôn mạ từ Trung Quốc có giá thấp hơn.
Trong ngắn hạn quý 3, BSC cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm thép có thể sẽ giảm so với quý 2 do sản lượng giảm theo tính mùa vụ, giá thép giảm.
Trong trung và dài hạn, BSC giữ quan điểm tích cực đối với ngành thép và kỳ vọng kết quả kinh doanh nhóm thép tiếp tục cải thiện trong năm 2025 nhờ sản lượng thị trường nội địa phục hồi, Bộ Công Thương sẽ thông qua áp thuế Chống bán phá giá đối với thép mạ và thép HRC.
Sau đợt điều chỉnh vào tháng 7/2024, các cổ phiếu HPG, HSG lần lượt đang giao dịch ở mức P/B FWD 2024 = 1.3 và 1.1, tiệm cận vùng định giá hấp dẫn. Xét các yếu tố rủi ro như sản lượng nội địa phục hồi chậm hơn so với kỳ vọng, giá thép trong nước giảm do giá thép Trung Quốc giảm, BSC cho rằng các doanh nghiệp thép vẫn sẽ duy trì được lợi nhuận theo quý ở mức dương trong năm 2025 khi ngành thép đã tạo đáy và diễn biến đầu vào đầu ra sẽ không tiêu cực như năm 2022. Do vậy, BSC cho rằng mức định giá theo P/B sẽ là mức cận dưới để mua cổ phiếu thép.