Trong tháng vừa qua, giá trị vốn hóa thị trường của PDD đã vượt qua Alibaba, trở thành công ty Trung Quốc niêm yết có giá trị nhất tại Mỹ. Sự tăng vọt cổ phiếu đã giúp Colin Huang, người sáng lập 43 tuổi của PDD, trở thành người giàu thứ hai tại Trung Quốc, có tài sản ròng trị giá hàng triệu USD.
Sự trỗi dậy của PDD trong một thị trường thương mại điện tử vốn đã đông đúc là hồi chuông cảnh tỉnh cho cả các nhà đầu tư cũng như các công ty lâu đời như Alibaba và JD.com.
SỰ PHÁT TRIỂN NHANH CHÓNG CỦA PDD GÂY NHIỀU TRANH CÃI
Pinduoduo, có nghĩa là “cùng nhau tiết kiệm nhiều hơn”, được thành lập vào năm 2015 bởi Colin Huang, cựu nhân viên Google. Nhà bán lẻ trực tuyến này ban đầu cung cấp hàng hóa tươi sống giá rẻ nhưng sau đó đã nhanh chóng đa dạng hóa sang các danh mục sản phẩm có mức giá bình dân khác.
Ngay từ đầu, Colin Huang đã định vị Pinduoduo khác biệt so với các nền tảng thương mại nổi tiếng như Alibaba và JD. Không chỉ cho phép người dùng được trải nghiệm nhiều sản phẩm giảm giá sâu hơn so với các nền tảng khác, Pinduoduo thậm chí còn miễn phí một số mặt hàng nếu khách hàng giới thiệu cho nhiều bạn bè hơn trên WeChat, một ứng dụng của Tencent (công ty tài trợ cho PDD), được hơn 90% dân số Trung Quốc sử dụng.
Năm 2017, doanh thu hàng năm của Pinduoduo đã vượt 100 tỷ RMB (13,9 tỷ USD), chỉ xếp sau doanh thu của Taobao và JD. Sự tăng trưởng nhanh chóng đã giúp Pinduoduo thành công niêm yết tại New York vào năm 2018, 4 năm sau Alibaba.
Trong khi đó, trong vòng chưa đến 1 năm kể từ khi ra mắt, vào tháng 7/2023, Temu dẫn đầu bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất ở Mỹ và một số nước châu Âu trong đó có Anh, đồng thời trở thành ứng dụng mua sắm miễn phí được tải xuống nhiều nhất ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
“Dựa trên một số khía cạnh của bán lẻ trực tiếp, chúng tôi đã khiến trải nghiệm mua sắm trực tuyến trở nên tương tác nhiều hơn và hấp dẫn hơn. Cách tiếp cận mới này đã được người tiêu dùng trên toàn cầu đón nhận nồng nhiệt, làm nên sự thành công của chúng tôi”, người phát ngôn của Temu nói với Nikkei Asia.
Khi mới ra mắt, Pinduoduo từng bị chỉ trích vì cho phép thương mại tràn lan hàng giả của các sản phẩm đắt tiền. Để xóa bỏ hình ảnh này, năm 2019, Pinduoduo đã cung cấp một khoản trợ cấp 10 tỷ NDT (khoảng 1,57 tỷ USD) cho các thương gia để họ cung cấp cho khách hàng mức giá rẻ hơn. Các khoản trợ cấp của Pinduoduo ưu tiên các sản phẩm cao cấp như iPhone. Chiến thuật này đã thuyết phục người tiêu dùng rằng họ có thể tìm thấy các sản phẩm có thương hiệu chính hãng với mức giá chiết khấu trên nền tảng này.
Ngoài ra, người phát ngôn của PDD cho biết họ đã đầu tư đáng kể vào công nghệ và quy trình chống hàng giả: “Chúng tôi nhanh chóng loại bỏ và điều tra mọi mặt hàng vi phạm ngay khi chúng tôi biết về chúng”.
Ngoài ra, để chiều lòng khách hàng, Pinduoduo đã thực thi nhiều chính sách ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng. Ví dụ, người mua có thể được hoàn tiền ngay lập tức mà không cần phải trả lại các mặt hàng đã mua nếu họ phàn nàn về hàng hóa.
ĐẰNG SAU SỰ THÀNH CÔNG NHANH CHÓNG
Theo Nikkei Asia, tất cả nhân viên của PDD đều sử dụng bút danh tại nơi làm việc và các cá nhân từ một nhóm không có quyền truy cập vào sơ đồ tổ chức của nhóm khác. Bên cạnh đó, một số nhân viên cho biết họ phải làm việc 6 ngày một tuần và 12 giờ một ngày, nếu trễ một phút sẽ bị trừ một giờ lương.
Nhiều nhân viên của công ty này đã chia sẻ với Nikkei Asia những trải nghiệm của họ tại công ty: “Nếu bạn không quan tâm đến việc ngủ, bạn có thể gia nhập công ty. Nếu không thì bạn nên cân nhắc trước khi ứng tuyển vào đây”.
Công ty tích cực tìm kiếm những cá nhân có động lực kiếm tiền mạnh mẽ vì tin rằng họ sẽ làm việc chăm chỉ hơn. Trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, công ty này thường hỏi các câu hỏi cá nhân, bao gồm tình trạng mối quan hệ, gia đình họ đến từ đâu hay họ có khoản nợ nào không, v.v.
“Mục đích của những câu hỏi này là để sàng lọc những cá nhân mong muốn kiếm tiền và sẵn sàng cống hiến thời gian của họ cho công ty”, một nhân viên tiết lộ với Nikkei Asia.
Văn hóa làm việc của PDD đã khiến công ty rơi vào khủng hoảng vào cuối năm 2020, sau khi một nhân viên 22 tuổi tại Pinduoduo qua đời sau khi làm việc muộn. Theo Pinduoduo, cô gái trẻ “đột nhiên ôm bụng và ngất xỉu khi đang đi bộ về nhà” vào lúc 1h30 sáng và qua đời sau khi được đưa đến bệnh viện.
Pinduoduo cũng bị các chuyên gia an ninh mạng cáo buộc sử dụng phần mềm độc hại để theo dõi người dùng. Theo Google, Pinduoduo vẫn bị đình chỉ trên cửa hàng ứng dụng Google Play sau khi các phiên bản được cung cấp bên ngoài cửa hàng bị phát hiện có chứa phần mềm độc hại vào tháng 3.
PDD TỰ TIN MÌNH ĐÃ TẠO RA CÔNG THỨC ĐỂ CHIẾN THẮNG
Trong khi Pinduoduo cung cấp các sản phẩm giá rẻ cho khách hàng thì Alibaba và JD lại nâng cấp các dịch vụ và hàng hóa chất lượng cao hơn do trong những năm qua khách hàng Trung Quốc ngày càng chi tiêu nhiều hơn.
Pinduoduo dường như có hướng đi khác biệt. Ông Huang nói trong cuộc phỏng vấn với Caijing: “Nâng cao mức tiêu dùng không phải là làm cho người dân Thượng Hải sống như người Paris mà là cung cấp cho người dân ở An Khánh (một thành phố nhỏ ở miền đông Trung Quốc) trái cây ngon để ăn”.
Khi lượng người dùng hoạt động hàng tháng của Pinduoduo ở Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2022, PDD bắt đầu tìm cách tạo ảnh hưởng ở nước ngoài.
Cú chuyển mình đầu tiên để mở rộng thị trường diễn ra vào tháng 9/2022 với việc ra mắt ứng dụng mua sắm bình dân Temu – viết tắt của “team up, price down” tại Mỹ, một thị trường mà Alibaba đã cố gắng thâm nhập nhưng không thành công. Temu đã vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng cửa hàng ứng dụng Hoa Kỳ sau vài tuần ra mắt. Theo dữ liệu từ công ty tình báo thị trường Sensor Tower, trong quý 3, trung bình người dùng dành thời gian cho Temu và Shein lâu hơn 30% so với Amazon.
Về lý do đằng sau sự thành công nhanh chóng của nền tảng, người phát ngôn của Temu chia sẻ với Nikkei Asia: “Temu mang đến cho người mua hàng nhiều sự lựa chọn hơn…để tiêu tiền nhiều hơn, vào thời điểm quan trọng khi chi phí sinh hoạt tăng cao đang ảnh hưởng đến mọi người ở mọi mức thu nhập”.
Theo các chuyên gia, sự trỗi dậy nhanh chóng của Temu ở Mỹ cũng được hỗ trợ bởi một chiến dịch tiếp thị tốn kém. Theo Sensor Tower, chi tiêu quảng cáo của Temu hiện tại ở Mỹ ước tính đã tăng gấp 15 lần so với cùng kỳ năm ngoái trong 11 tháng đầu năm 2023. Khoảng một nửa số chi tiêu đó dành cho Facebook, với 25% dành cho Instagram và 15% dành cho quảng cáo hiển thị trên máy tính để bàn. Goldman Sachs ước tính vào tháng 10 rằng Temu sẽ chi khoảng 1,2 tỷ USD cho quảng cáo với công ty mẹ Meta của Facebook trong năm 2024.
Báo cáo tài chính mới nhất của PDD không tiết lộ doanh thu, chi phí tiếp thị hay bất kỳ dữ liệu nào khác liên quan đến Temu. Người phát ngôn của PDD cho biết PDD không báo cáo doanh thu của Temu một cách riêng biệt vì “nó chưa đạt đến ngưỡng cần thiết để báo cáo riêng lẻ”.
Theo Sky Canaves, nhà phân tích cấp cao về bán lẻ và thương mại điện tử, mặc dù việc chi tiền vào quảng cáo đã thành công như một phần của chiến lược thu hút khách hàng rất nhanh, nhưng việc Temu tiếp tục thua lỗ với tốc độ này trong thời gian dài là không bền vững.
Đã có những dấu hiệu cho thấy sự bùng nổ ban đầu của Temu ở Mỹ đang bắt đầu mất đà. Người dùng hoạt động hàng tháng trên ứng dụng này đã tăng đều đặn từ tháng 1 đến tháng 10 nhưng lại giảm khoảng 1 triệu xuống còn 63,7 triệu trong tháng 11/2023. Trong khi đó, Amazon có khoảng 300 triệu người dùng Mỹ cùng thời điểm, theo công ty nghiên cứu Data.ai.
Giám đốc điều hành PDD cho biết Temu đang có kế hoạch chuyển nguồn lực sang các thị trường mới nổi có tiềm năng tăng trưởng cao hơn Mỹ.