Theo nguồn tin từ Financial Times, Huawei, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất chíp riêng tại Thượng Hải và không sử dụng công nghệ của Mỹ. Đây là động thái nhằm đảm bảo nguồn cung cho mảng kinh doanh hạ tầng viễn thông cốt lõi của công ty Trung Quốc trước lệnh cấm vận của Mỹ.
Nguồn tin trên cho biết nhà máy của Huawei sẽ được vận hành bởi đối tác Shanghai IC R&D Center - công ty nghiên cứu chíp được chính quyền thành phố Thượng Hải đầu tư.
Giới phân tích nhận định một nhà máy như vậy có thể giúp Huawei, vốn không có kinh nghiệm trong sản xuất chíp, mở ra con đường sinh tồn trong dài hạn. Các lệnh kiểm soát xuất khẩu công nghệ Mỹ của chính quyền Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 và siết chặt hơn hồi tháng 8 buộc các doanh nghiệp Mỹ phải xin giấy phép để cung cấp sản phẩm bán dẫn cho Huawei.
Một nhà máy ngay trong nước sẽ mang đến nguồn cung bán dẫn mới cho Huawei trong bối cảnh lượng chíp nhập khẩu mà công ty này tích trữ từ năm ngoái đang dần cạn kiệt. Nhà máy này dự kiến sẽ thử nghiệm sản xuất chíp 45nm cấp thấp ở giai đoạn đầu - công nghệ mà các hãng sản xuất chíp hàng đầu thế giới bắt đầu sử dụng 15 năm trước. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận cho biết Huawei muốn bắt đầu sản xuất chíp 28nm cao cấp vào cuối năm sau. Kế hoạch này cho phép công ty sản xuất TV thông minh và các thiết bị Internet vạn vật khác. Sau đó, Huawei nhắm tới sản xuất chíp 20nm vào cuối năm 2022 để dùng trong sản xuất thiết bị viễn thông 5G và tiếp tục phát triển mảng này bất chấp các lệnh cấm vận của Mỹ.
"Kế hoạch sản xuất mới sẽ không giúp ích nhiều cho mảng kinh doanh smartphone của Huawei bởi thiết bị này cần sử dụng chíp công nghệ cao hơn", một nguồn tin thân cận cho biết. "Nhưng nếu thành công, đây có thể trở thành cầu nối tới tương lai bền vững cho mảng kinh doanh cơ sở hạ tầng viễn thông của Huawei, đó là chưa kể tới lượng chíp trong kho có thể dùng trong khoảng 2 năm nữa".
Theo Financial Times, kế hoạch này của Huawei cũng có thể là cú hích cho tham vọng thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ chíp nước ngoài của Trung Quốc, đặc biệt là từ Mỹ.
Một chuyên gia trong ngành chíp tiết lộ Huawei đã đầu tư mạnh vào mảng bán dẫn nội địa, đặc biệt là vào các công ty nhỏ. Theo giới thạo tin, Huawei thậm chí có kế hoạch nội địa hóa toàn bộ máy móc trong dây chuyền sản xuất của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo công ty này cần nhiều năm mới triển khai được kế hoạch này.