Những đôi giày John Lobb giúp quý ông tôn phong cách với kiểu dáng dễ nhận biết dù không phô trương logo. Trong series "James Bond", điệp viên 007 cũng đã chứng tỏ mình là tay chơi sành sỏi khi nhiều lần mang giày John Lobb. Nhiều khán giả cho rằng phụ kiện này góp phần khắc họa hình ảnh điệp viên bảnh bao, nam tính. Giày "thửa" là nét đặc trưng, độc đáo nhất của nhà John Lobb, được "đo ni đóng giày" theo số đo, sở thích và mang dấu ấn cá nhân chủ sở hữu.
Với xuất phát điểm là một nhà sản xuất giày da bespoke có bề dày lịch sử hơn 150 năm, John Lobb chắc hẳn đã hiểu rõ cách làm thế nào để biến những đôi giày trở nên cao cấp và cá nhân hóa hơn bất cứ tên tuổi nào trên thị trường. Từ năm 1976, hãng trở thành một phần của gia đình Hermès.
Hàng năm, công ty mẹ Hermès thường lùng các loại da hảo hạng. John Lobb được chọn mẻ đầu tiên, sau đó mới dành cho túi xách và các sản phẩm da khác của Hermès. Các mảnh da khi cắt và khâu ghép được lựa chọn kỹ màu sắc, vân da, độ bóng, đàn hồi, trọng lượng nhằm đảm bảo lên chân vừa vặn, thoải mái nhất. Các chi tiết như màu sắc da, phụ kiện (móc, khóa bằng vàng, vàng hồng, bạc, kim loại palladium) hay chất liệu, kiểu dáng đế tùy chỉnh theo mong muốn của khách hàng khó tính nhất.
Hãng giày lâu đời chỉ đóng 100 đôi mỗi ngày và không quá 1.000 đôi một tuần. Ngày nay, ngoài dịch vụ đóng giày thửa (bespoke) - chỉ được phục vụ riêng tại hai cửa hiệu ở Paris và London, khách hàng của John Lobb còn được phục vụ đặt giày theo yêu cầu (By Request) và giày đóng sẵn (Ready-to-Wear). Khách có thể chọn nhiều chất liệu da, từ bóng, sần tới chất liệu quý hiếm như da kỳ nhông, cá sấu. Thông thường, mỗi cửa hàng có tối thiểu 50 loại da quý hiếm.
Quy trình chế tác một đôi giày "thửa" phải trải qua 190 bước, và thời gian chờ đợi sẽ tới ít nhất 4 tháng để đi đến bước hoàn thiện trong xưởng chế tác thủ công ở Northampton (Bắc London, Anh). Có những đôi, nghệ nhân thậm chí cần tới chín tháng hoàn thiện. Đầu tiên, thợ đo (The Fitter) ghi lại chính xác thông số chân khách hàng, từ chiều dài, rộng và độ dày bàn chân, bắp chân, tới những đặc điểm riêng, phần lồi, chỗ chai, vết lõm hay dị tật bẩm sinh… Sau đó, một mô hình khắc gỗ được đẽo gọt, đảm bảo đặc điểm riêng nhất, thể hiện sự hoàn hảo.
Tiếp theo, thợ tạo mẫu (The Pattern Cutter) cắt các mẫu vẽ phù hợp nhất với nhu cầu khách hàng, sau đó chuyển tới thợ cả (The Clicker) - người dày dặn kinh nghiệm về da. Riêng các mẫu cơ bản đã cần ít nhất tám miếng da, được lựa chọn kỹ càng màu sắc, thớ, trọng lượng để đạt hiệu quả kết hợp tốt nhất. Đế giày được làm tách rời, sử dụng da thuộc, gỗ sồi quý hiếm, trước khi người lắp ráp (The Maker) gắn với phần trên. Một loạt các khâu phụ đi kèm như thêu hình, logo riêng, đánh bóng, làm khuôn gỗ giữ dáng… sẽ hoàn thiện quy trình trước khi giao tới tay khách.
Người điều hành thương hiệu cho rằng đây là cách giữ sự đắt giá, cầu kỳ của sản phẩm. Phụ kiện sử dụng được hàng chục năm, không lỗi mốt. Khách tìm đến dịch vụ By Request (thửa riêng) có thể chọn từ 100 mẫu giày như Oxford City II New Standard, Chapel, William, Lopez, Sennen, Holme... Sở hữu kiểu dáng kinh điển, độ bền và hoàn thiện tinh xảo như mẫu "William" (ra đời năm 1945) hay đôi bốt chuka "Grove" thuộc bộ sưu tập Thu Đông 2015, được giới mộ điệu yêu thích và săn lùng trên toàn thế giới.
Qua nhiều năm, thương hiệu giày của nhà Hermes đã được phong danh hiệu Royal Warrant 3 lần. Nhiều nhân vật hoàng gia như Vua Edward VII, hoàng tử Charles, công tước Philip xứ Edinburgh... đều là khách hàng thân thiết. Các nghệ sĩ như nam diễn viên Frank Sinatra, Dean Martin cũng bị mê hoặc bởi những kiệt tác giày thủ công của John Lobb. Thậm chí, một hoàng tử ở Tây Á sở hữu 370 đôi giày John Lobb với hình cỏ ba lá thêu phía trên.
Dĩ nhiên, giá của những đôi giày này không hề rẻ, xấp xỉ 3.500 bảng (hơn 105 triệu đồng) với loại cơ bản. Những đôi giày cưỡi ngựa có giá khoảng 6.000 bảng (gần 200 triệu). Nếu sử dụng da cá sâu, con số sẽ tăng lên 10.000 bảng (hơn 300 triệu đồng).