May 24, 2025 | 07:30 GMT+7

Bí quyết giúp châu Âu thu hút nhân tài công nghệ 

Hạ Chi -

Trong cuộc đua thu hút nhân tài công nghệ toàn cầu, nếu chỉ dựa vào mức lương, các doanh nghiệp châu Âu khẳng định họ không thể cạnh tranh với các tập đoàn khổng lồ của Mỹ. Thay vào đó, chiến lược của họ là văn hóa đề cao con người…

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo ước tính của công ty nghiên cứu Gartner, chi tiêu cho công nghệ thông tin tại châu Âu năm ngoái đã đạt khoảng 1.100 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2023. Cú hích này chủ yếu đến từ làn sóng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu cùng các phần mềm và dịch vụ doanh nghiệp đang ngày càng ổn định.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường toàn cầu nóng bỏng, các doanh nghiệp công nghệ châu Âu buộc phải cạnh tranh quyết liệt để giữ chân và thu hút nhân tài.

ĐỀ CAO CÂN BẰNG ĐỜI SỐNG CÁ NHÂN VÀ CÔNG VIỆC 

Các “ông lớn” công nghệ Mỹ thường hấp dẫn nhân sự bằng mức lương cao “ngất ngưởng” và cơ hội tham gia các dự án R&D có tầm ảnh hưởng toàn cầu

“Điều này khiến nhiều quốc gia châu Âu rơi vào tình trạng chảy máu chất xám”, Giáo sư Chengyi Lin tại trường kinh doanh Insead (Pháp) nhận định. 

Bí quyết giúp châu Âu thu hút nhân tài công nghệ  - Ảnh 1

Tuy nhiên, châu Âu có những lợi thế mà không nơi nào khác dễ dàng thay thế. Theo các chuyên gia, các công ty tại đây ghi điểm nhờ môi trường làm việc đề cao sự cân bằng giữa đời sống cá nhân và công việc, hệ thống phúc lợi xã hội hào phóng, cũng như khả năng trao quyền thực sự cho nhân viên trong việc định hình sản phẩm, dịch vụ theo văn hóa và thị hiếu địa phương.

Điều đó được minh chứng rõ nét trong bảng xếp hạng các nhà tuyển dụng tốt nhất châu Âu – kết quả nghiên cứu của Financial Times và hãng dữ liệu Statista. Đứng đầu là OneAdvanced, một tập đoàn phần mềm có trụ sở tại Vương quốc Anh, chuyên cung cấp các giải pháp tài chính, nhân sự và quản trị rủi ro cho các tổ chức từ bệnh viện đến công ty luật.

Điều làm nên sức hút của OneAdvanced không nằm ở mức lương cao hay danh tiếng lẫy lừng, mà chính là văn hóa làm việc đặt nhân viên ở trung tâm và luôn có cơ hội phát triển.

Oliver Black đã gắn bó với OneAdvanced suốt 11 năm. Trong thời gian đó, anh đã trải qua nhiều vị trí tiếp thị ở các mảng khác nhau. Việc được tạo điều kiện luân chuyển giữa các bộ phận không chỉ giúp Oliver Black tích lũy thêm kinh nghiệm mà còn thể hiện rõ triết lý phát triển con người của công ty: luôn tạo cơ hội để nhân viên khám phá và phát triển năng lực theo cách riêng của mình.

Oliver Black đánh giá cao chính sách đào tạo bài bản và nền tảng nội bộ chuyên biệt mà công ty đang triển khai để nâng cao năng lực cho nhân viên. Và yếu tố quan trọng giữ anh ở lại công ty cả chục năm qua là văn hóa làm việc thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau. “Thực lòng mà nói, tôi không thể nghĩ ra ai trong công ty mà mình không muốn làm việc cùng. Mọi người ở đây luôn sẵn sàng giúp đỡ nhau”, Oliver Black cho biết. 

Các chính sách phúc lợi cũng là một điểm cộng lớn. Mới đây, OneAdvanced đã tăng thời gian nghỉ phép cho các ông bố sau khi có con, từ hai tuần lên bốn tuần. “Chúng tôi cảm nhận rõ rằng công ty thực sự quan tâm đến cuộc sống cá nhân của mình. Những chính sách như thế không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, mà còn nâng tầm chất lượng cuộc sống”. Không chỉ vậy, thay vì đợi đến cuối năm như thông lệ ở nhiều nơi, công ty còn xem xét điều chỉnh lương cho nhân viên gần như mỗi quý. 

KHUYẾN KHÍCH NHÂN SỰ "ĐẦU TƯ VÀO BẢN THÂN" 

Không riêng gì công ty của Oliver Black, nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu châu Âu cũng đang đặt con người làm trọng tâm trong chiến lược phát triển. Điển hình như tập đoàn phần mềm SAP (Đức), đơn vị vừa vượt qua hãng dược phẩm Novo Nordisk (Đan Mạch) để trở thành công ty có giá trị lớn nhất châu Âu.

Theo bà Caroline Hanke, Giám đốc toàn cầu phụ trách phát triển tổ chức của SAP, mỗi nhân viên được khuyến khích dành khoảng 15% thời gian làm việc để “đầu tư cho bản thân”, có thể là học thêm, hoặc thử sức ở một vị trí mới trong thời gian tối đa sáu tháng.

Bên cạnh đó, nhân viên của SAP còn nhận được một số đặc quyền chẳng hạn như chương trình mua cổ phiếu được trợ cấp, khám sức khoẻ định kỳ,... 

Thậm chí, Hanke, một người đã làm việc cho công ty khoảng 20 năm, cho biết: “Tôi đã sử dụng khoản vay không lãi suất của công ty để đặt cọc ngôi nhà đầu tiên của mình”.

SAP thực sự có cách tiếp cận khác biệt trong quản lý nguồn nhân lực. Họ đo lường sức khỏe tinh thần và sự hài lòng của nhân viên một cách bài bản như theo dõi các chỉ số tài chính. Mỗi năm, công ty tổ chức khảo sát toàn diện để tìm hiểu xem người lao động có đang cảm thấy căng thẳng, có được trao quyền trong công việc, hay có tìm thấy ý nghĩa trong những gì họ đang làm hay không.

Các phản hồi này được tổng hợp thành một chỉ số có tên là “Chỉ số văn hóa sức khỏe doanh nghiệp”. Và con số ấy không chỉ để tham khảo, SAP khẳng định, phúc lợi nhân viên có mối liên hệ trực tiếp đến hiệu quả tài chính. Công ty ước tính rằng, chỉ cần chỉ số này tăng thêm 1 điểm phần trăm, lợi nhuận hoạt động toàn cầu của họ có thể tăng thêm từ 85 đến 95 triệu euro.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate