Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/5/2022, chỉ số VN-Index chính thức bước vào thị trường con gấu (bear market) khi giảm so với đỉnh gần nhất trên 20%. Với những nhà đầu tư mới tham gia thị trường lúc chỉ số ở vùng 1.500 điểm thì đây là một cú sốc khá lớn. Liệu thị trường có còn giảm nữa không? Có nên mua thêm hay cắt lỗ? Nếu mua hay nắm giữ, nên ưu tiên cổ phiếu của nhóm ngành nào?
"GẤU VẢ" KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN HIẾM
Thị trường chứng khoán thường gắn chặt với nền kinh tế nên tính chu kỳ cũng là một đặc tính của các chỉ số chứng khoán. Chỉ số chứng khoán có lúc tăng trưởng mạnh, có lúc đi ngang xập xình, và có lúc cắm đầu đi xuống.
Như trường hợp chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ, từ năm 2000 đến nay đã có 5 lần rơi vào thị trường con gấu vào các thời điểm: tháng 03/2000, tháng 10/2007, tháng 4/2011, tháng 9/2018 và tháng 2/2020. Còn nếu tính từ năm 1950 đến nay thì chỉ số S&P 500 có đến 15 lần bị "gấu vả", tính ra cứ trung bình 4,67 năm sẽ có 1 lần như vậy. Với chỉ số VN-Index thì gần đây nhất là tháng 4/2018, tháng 1/2020, và tháng 4/2022.
Lý do của thị trường bị "gấu vả" cũng khác nhau. Đó có thể là thị trường tăng trưởng nóng, nhiều cổ phiếu có giá thị trường vượt xa nhiều giá trị nội tại, tạo ra các bong bóng tài sản. Đó có thể xuất phát từ khủng hoảng của một ngành quan trọng nào đó trong nền kinh tế như bất động sản, hay thị trường tài chính. Hoặc đó có thể là sự thay đổi chính sách đột ngột của một Ngân hàng Trung ương quan trọng như Fed, hay có thể là một đại dịch hay khủng hoảng địa chính trị.
NÊN LÀM GÌ KHI THỊ TRƯỜNG BỊ "GẤU VẢ"?
Câu hỏi này chủ yếu dành cho các nhà đầu tư trung-dài hạn, tức là với một kế hoạch đầu tư từ 3 năm trở lên. Bởi vì trên thị trường chứng khoán chia ra thành hai nhóm người chính: những người mua và nắm giữ cổ phiếu, và những người mua đi bán lại thường xuyên. Với nhóm thứ hai thì đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm nhất định, và với nguyên tắc cắt lỗ (stop loss) thì phần lớn họ sẽ không đợi đến mức giảm 20%.
Khi thị trường rơi vào trạng thái con gấu, sẽ có những nhà đầu tư bắt đầu hoang mang và thậm chí bị hoảng loạn. Chính vì vậy mà điều quan trọng đầu tiên là cần kiểm soát được cảm xúc của mình. Nhiều nghiên cứu và thực tế cho thấy khi không kiểm soát được cảm xúc thì hầu như con người ra các quyết định sai lầm. Trong trường hợp này là bán tháo cổ phiếu hay "bắt dao rơi" với những cổ phiếu vừa tăng trưởng nóng trong thời gian trước.
Để chế ngự được cảm xúc và vượt qua giai đoạn khó khăn này, kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư đã trải qua những đợt "gấu vả" là không theo dõi danh mục đầu tư thường xuyên nữa, tốt nhất là quên đi một thời gian. Trong giai đoạn này, nên dành thời gian cho các công việc hay hoạt động khác, như rèn luyện nâng cao sức khỏe, nâng cao kiến thức hay chuyên môn của mình.
Tự nhắc lại mục tiêu và kế hoạch đầu tư của mình cũng là cách hiệu quả để vượt qua giai đoạn thị trường bị giảm mạnh. Bởi vì nhìn ở khung thời gian dài hơn, nếu nhìn chỉ số ở khung tuần hay tháng thì sẽ thấy những biến động theo ngày trở nên nhỏ bé hơn nhiều.
Ngoài ra về mặt tâm lý, suy nghĩ theo hướng mặc dù giá của cổ phiếu giảm nhưng số lượng cổ phiếu mình đang giữ vẫn như cũ, thì cũng giúp sự lạc quan được tăng lên rất nhiều. Không những thế, giá cổ phiếu giảm đồng nghĩa với việc mình mua được cổ phiếu ở mức giá rẻ hơn lúc trước.
Bên cạnh việc kiểm soát cảm xúc, cùng với việc nhìn khung thời gian đầu tư dài hơn đó là sự kiên nhẫn. Ở các nền kinh tế có tăng trưởng thì chỉ số chứng khoán về dài hạn luôn tăng. Điều này đồng nghĩa với việc thị trường bị "gấu vả" sẽ đến một lúc nào đó kết thúc và hồi phục tăng trưởng trở lại.
Trường hợp chỉ số S&P 500 bị "gấu vả" từ năm 2000 đến nay thì thời gian của lần sau ngắn hơn lần trước. Theo lịch sử của chỉ số này thì năm 2000, sau khoảng 900 ngày thì chạm đáy; năm 2007 thì sau 500 ngày; năm 2011 là 150 ngày; năm 2018 là 95 ngày và năm 2020 là 33 ngày.
SẮP TỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO?
Đây là một câu hỏi mà rất khó để có câu trả lời đúng trong ngắn hạn. Là bởi vì trong bối cảnh thị trường lúc này, rất nhiều yếu tố bất định có thể khiến cho thị trường hồi phục trở lại hay cũng có thể khiến cho thị trường giảm thêm. Các chính sách siết chặt tiền tệ, lạm phát, chiến tranh Nga-Ukraine, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và EU là những ẩn số lớn tác động đến chỉ số chứng khoán.
Nhưng nếu lịch sử có tính tham khảo thì đầu tư vào những giai đoạn thị trường bị "gấu vả" là một chiến lược thông minh trong trung và dài hạn, vì nhà đầu tư sẽ mua được nhiều cổ phiếu ở mức giá tốt, và chờ đợi thành quả ở chu kỳ tiếp theo.
Những khi nền kinh tế khó khăn vì lạm phát, có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại hay thậm chí suy thoái thì vẫn có cách để giảm thiểu tác động của thị trường. Đó là việc dịch chuyển danh mục sang nhóm cổ phiếu có tính phòng thủ nhiều hơn. Cùng với đó, nếu có thể thì tăng khả năng sử dụng tiền mặt lên mức tối đa để đầu tư nhiều hơn so với mức trung bình đã dự tính.
Đối với chỉ số VN-Index, mặc dù trong ngắn hạn không thể dự đoán được hướng đi nhưng một số chỉ số cơ bản cho thấy trong trung và dài hạn, là phù hợp với chiến lược mua vào khi thị trường vào giai đoạn bị gấu vả. Chẳng hạn chỉ số VN-Index hiện nay đang quay lại mức đầu năm 2021, nếu như các doanh nghiệp niêm yết có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thực tế trung bình ở mức 20-30% thì đây là vùng giá tốt. Ngoài ra chỉ số đường dịch chuyển trung bình 100 tuần cũng vừa khẽ chạm giá đóng cửa và chỉ số RSI ở mức quá bán gần như đầu năm 2020 khi Covid-19 bùng phát.
Thị trường bị "gấu vả" là một hiện tượng bình thường theo chu kỳ của chỉ số chứng khoán. Điều quan trọng để vượt qua được giai đoạn này là phải kiểm soát tốt được cảm xúc, nhìn khung thời gian đầu tư dài hơn, và phải có sự kiên nhẫn. Bởi vì với một nền kinh tế có tăng trưởng thì chỉ số chứng khoán sẽ luôn tăng sau 10, 20 năm.
-----
(*) Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, IPAG Business School (Paris) và AVSE Global.