Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố, Ngân hàng Nhà nước với 150 doanh nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng diễn ra ngày 7/9 khi gần kết thúc đã nổi lên tiếng cười xen lẫn tiếng vỗ tay rôm rả.
Đó là khi Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói rằng, nếu ngân hàng nào cố tình o ép doanh nghiệp, cho vay với lãi suất cao thì tại cuộc họp hội đồng nhân dân thành phố ông sẽ nêu tên, và khi đó người dân không gửi tiền nữa thì “ráng mà chịu”.
Trước khi ông Thanh phát biểu kết thúc, đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã phản ánh không ít khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng.
Giám đốc Công ty giày B.Q, ông Phan Hải phàn nàn, với dự án trung và dài hạn thì sau vài năm mới có lãi, song hợp đồng vay vốn thường có điều khoản ba tháng một lần rà soát điều chỉnh lãi suất. "Cứ ba tháng lại một lần nơm nớp lo lãi suất tăng hay giảm, liệu doanh nghiệp có thực sự an tâm để làm ăn? Ngân hàng nhà nước dự báo 6 tháng tới lãi suất giảm nhưng giảm được bao nhiêu?", ông Hải đặt câu hỏi.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng thì hầu hết các doanh nghiệp ở địa bàn đều phản ánh là khó tiếp cận nguồn vốn vay, và việc giảm lãi suất cho vay cũng chưa có nhiều kết quả. Đến cuối tháng 7/2012, chỉ có 430 khách hàng được giảm lãi suất vốn vay, tương đương số tiền hơn 6 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng nói là ông “chả hiểu nổi” khi ngay cả những dự án liên quan đến vốn ngân sách, gần như không có rủi ro mà cũng không vay được vốn ngân hàng. Doanh nghiệp và ngân hàng nói nghe có vẻ hiểu nhau cặn kẽ mà nghe chừng chưa hiểu nhau lắm, ông Thanh đánh giá.
Rất thông cảm là ngân hàng cũng đi vay rồi cho vay lại, song theo ông vẫn “phải nói thật” là ngân hàng vẫn thuận lợi hơn doanh nghiệp, doanh nghiệp vất vả hơn. Vì doanh nghiệp chết là doanh nghiệp chịu, còn ngân hàng hoạt động khó khăn còn có ngân hàng nhà nước cứu nguy cho, “có ngân hàng cũng lôi thôi lếch thếch lắm”, ông nói.
Lưu ý các doanh nghiệp là ngân sách của thành phố không mạnh nên chủ yếu gặp gỡ để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp xem có gì về cơ chế cần tháo gỡ và giúp doanh nghiệp trong khả năng mà thành phố có thể làm được, tuy nhiên, ông Thanh cũng nhấn mạnh rằng, trước khó khăn thì mỗi doanh nghiệp cần hết sức bình tĩnh tìm cách đối phó vươn lên, kêu than cũng không giải quyết gì, buông tay chèo thì thuyền càng chìm nhanh.
Đề nghị các ngân hàng trên địa bàn giảm lãi vay với nợ cũ, ông Thanh nói, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho xin báo cáo hàng tháng để ông nắm được rõ hoạt động của các ngân hàng.
Cũng cho biết là sẽ chẳng đao to búa lớn gì, mà chỉ nêu tên các ngân hàng không chịu hạ lãi suất và o ép doanh nghiệp cho dân biết thôi, ông Thanh nhấn mạnh, “doanh nghiệp sống thì mình mới sống”. Yêu cầu của ông là các ngân hàng cần mạnh tay cho vay với các dự án có khả năng thu hồi vốn và công khai minh bạch về lãi suất cũng như tăng cường thẩm định để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh hơn.
Vị Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng yêu cầu các cơ quan tham mưu tập hợp danh sách các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn và có khả năng trả nợ để thành phố bão lãnh vay vốn nếu ngân hàng có khó khăn. Số tiền có thể bảo lãnh bằng ngân sách của thành phố cũng được ông Thanh công bố là từ 3000 -5000 tỷ đồng.
"Các doanh nghiệp khi có khó khăn đề nghị phản ánh bằng văn bản đến cơ quan chức năng, có bức xúc thì có thể gửi thẳng cho Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố là tôi đây để hỗ trợ kịp thời", ông Thanh nhắn nhủ các doanh nhân Đà Nẵng.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate