Grab và Uber lên tiếng sau những cáo buộc liên quan đến cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Việt Nam.
“Nên chấm dứt việc thí điểm”
Như VnEconomy đã đưa tin, mới đây, Vinasun - thương hiệu taxi dẫn đầu về thị phần tại Tp.HCM - đã kiến nghị một loạt biện pháp để Uber và Grab “không đứng ngoài luật hiện hành và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng”.
Theo Vinasun, cơ quan chức năng phải xếp loại hình hoạt động của Uber, Grab vào loại hình “kinh doanh vận chuyển hành khách đường bộ bằng taxi”; chịu sự quản lý, kiểm tra, cấp phép như các công ty taxi đang hoạt động. Đồng thời, chấm dứt hoạt động cạnh tranh “không lành mạnh” bằng các chiêu thức giảm giá.
Trao đổi với VnEconomy, đại diện doanh nghiệp này cho biết thêm, Uber, Grab hay các công ty tương tự đã đẩy doanh nghiệp taxi truyền thống vào khó khăn. Tính đến thời điểm hiện tại, hơn 4.000 tài xế của Vinasun đã nghỉ việc và hàng trăm đầu xe của công ty nằm bài không có tài xế.
Mặc dù được Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn trao đổi với Bộ Công Thương, nhưng theo ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), đến thời điểm hiện tại cơ quan này chưa nhận được bất cứ đề xuất nào từ Vinasun.
Trước đó, trong văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc của Hiệp hội Taxi Hà Nội, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, Hiệp hội Taxi Tp.HCM, ba đơn vị này cũng cáo buộc Grab lsử dụng chiêu thức phá giá, cạnh tranh không lành mạnh nhằm tiêu diệt các công ty taxi truyền thống.
Ba hiệp hội còn cho rằng trong ba năm 2014-2016, Uber đóng được 30 tỷ đồng tiền thuế còn Grab không công bố số liệu. Tìm hiểu của các hiệp hôi cho thấy số thuế mà Grab đóng trong ba năm qua còn thấp hơn nhiều so với Uber. Trong khi số lượng xe mà Grab và Uber đang điều hành khoảng 40.000 xe, gấp nhiều lần taxi truyền thống.
“Nên chấm dứt việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đối với Grab và Uber. Vì các đơn vị này gây bất lợi cho kinh tế xã hội của Việt Nam trước mắt và lâu dài”, văn bản của các hiệp hội nêu.
Grab và Uber nói gì?
Phản hồi những cáo buộc của Vinasun và các hiệp hội taxi về việc liên tục “tung chiêu” giảm giá, cạnh tranh không lành mạnh, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu An khẳng định công ty này tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật của Việt Nam hiện hành.
“Chúng tôi cũng đã gửi văn bản phản hồi tới Bộ Công Thương để được cung cấp các thông tin như được yêu cầu”, vị đại diện Grab khẳng định.
Bà An lý giải, có được giá cước thấp và những đợt khuyến mại, giảm giá cho người dùng là nhờ Grab tận dụng công nghệ để nâng cao hiệu suất quản lý và kinh doanh. Đây cũng là một trong những mục tiêu cơ bản của đề án thí điêm xe hợp đồng điện tử theo Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải.
Tuy nhiên, khi được hỏi về số thuế doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ với Nhà nước thì bà An cho hay là không thể tiết lộ.
Bà nói: “Sự có mặt của Grab tạo ra thay đổi lớn trong ngành vận tải và đôi khi gây ra bối rối trong việc áp dụng luật. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chúng ta loại bỏ hay kết luận đó là trái luật. Chúng tôi tin rằng chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, xã hội thì cơ quan Chính phủ sẽ hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện phát triển”.
Cũng theo đại diện truyền thông Grab, sự xuất hiện của Grab tuy tác động lớn đến thị trường taxi truyền thống nhưng không làm thay đổi bản chất của từng loại hình vận tải. Taxi truyền thống vẫn có những lợi thế riêng cũng như nắm giữ những phân khúc khách hàng riêng. Phát huy được thì taxi truyền thống hoàn toàn phát triển mạnh hơn và duy trì vị trí không thay thế trên thị trường.
Trong khi đó, Uber Việt Nam lại từ chối bình luận tất cả kiến nghị cũng như cáo buộc cạnh tranh không lành mạnh của Vinasun.
Tuy nhiên, đại diện đơn vị này khẳng định: “Uber không bao giờ nghĩ taxi truyền thống là đối thủ của mình. Các hãng taxi truyền thống hoàn toàn có thể đầu tư app như Uber hay Grab. Nếu họ áp dụng công nghệ tốt thì hiệu quả cũng sẽ tương đương”.
Uber Việt Nam cũng cho rằng cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra những mô hình kinh doanh mới trong nền kinh tế Việt Nam, trong đó có Uber. Cuộc cách mạng này sẽ thay đổi bản chất nhiều công việc và cơ cấu lại nhiều ngành công nghiệp, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng phải thay đổi theo.
Có mặt tại Việt Nam từ đầu năm 2014, trong hơn ba năm qua, Uber và Grab đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các hãng taxi truyền thống. Điều đáng nói, dù phản ứng về dịch vụ mới này, nhiều hãng taxi truyền thống - trong đó có cả Vinasun - vẫn phát triển ứng dụng gọi xe để nâng cao sức cạnh tranh. Nhiều công ty vận tải trong nước cũng sử dụng ứng dụng gọi xe để quản lý và điều phối dịch vụ của mình…
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate