Sáng ngày 25/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng chứng khoán..
Vào cuối giờ chiều hôm qua (ngày 24/7), Hội đồng xét xử đã kết thúc phần xét hỏi, dự kiến bắt đầu tranh luận vào sáng nay. Tuy nhiên, khi bắt đầu làm việc, đại diện Viện kiểm sát bất ngờ đề nghị Hội đồng xét xử quay lại phần xét hỏi.
Đại diện Viện kiểm sát hỏi bị cáo Trịnh Văn Quyết về phương án khắc phục hậu quả vụ án. Ông Trịnh Văn Quyết cho biết đến ngày 25/7, bị cáo đã khắc phục trên 240 tỷ đồng.
Về phương án khắc phục tiếp theo, ông Trịnh Văn Quyết cho biết từ khi khởi tố, bị bắt tạm giam về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo đã liên tục làm việc với cơ quan điều tra và luôn xin được khắc phục số tiền thiệt hại là trên 700 tỷ đồng.
Tiếp đó, bị cáo đã làm việc với luật sư với mong muốn xin dùng tài sản để khắc phục. Bị cáo đã bán hãng hàng không Bamboo trước để có tiền đền bù và đã thu được 200 tỷ đồng, nộp tiền vào tài khoản của cơ quan điều tra để khắc phục. Còn lại 500 tỷ đồng, họ cam kết chuyển về cơ quan điều tra để bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả.
“Với số tiền này, bị cáo nghĩ rằng đủ trả hết số tiền bị quy kết cho tội Thao túng thị trường chứng khoán”, ông Quyết nói.
Đến tháng 8/2022, bị cáo bị khởi tố thêm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền bị quy kết là 3.621 tỷ đồng. Bị cáo đã xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân và cổ phần tại FLC.
Theo trình bày của bị cáo Quyết, trong suốt thời gian giải quyết vụ án, khi làm việc với gia đình, Tập đoàn FLC, bị cáo luôn tìm cách khắc phục thiệt hại của vụ án.
Hiện, cơ quan điều tra đang phong tỏa khối tài sản của bị cáo ước tính có giá trị 4.800-5.000 tỷ đồng, chưa kể 500 tỷ đồng bán hãng hàng không Bamboo mà đối tác chưa trả.
“Với tài sản cá nhân dành dụm hơn 20 năm, tôi mong Hội đồng xét xử tạo điều kiện để xử lý các tài sản trong đó có cổ phần FLC, nắm giữ hơn 30%”, ông Quyết nói.
Trả lời Hội đồng xét xử, ông Trịnh Văn Quyết cũng thừa nhận trong khối tài sản của FLC có tài sản thế chấp, có tài sản không thế chấp.
Để đảm bảo quyền lợi cho các bị cáo, cũng như để Viện kiểm sát xem xét đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ, Hội đồng xét xử quyết định chiều mai (26/7), Viện kiểm sát sẽ tiến hành luận tội.
Theo cáo buộc, với mục đích chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư để sử dụng vào mục đích riêng của mình, Trịnh Văn Quyết đã sử dụng Công ty Faros làm công cụ, chỉ đạo cấp dưới và bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái Quyết) thực hiện hành vi gian dối tăng khống vốn chủ sở hữu từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.
Sau đó hoàn thiện thủ tục để niêm yết cổ phiếu, sử dụng sàn HOSE làm công cụ, phương tiện bán cổ phiếu, chiếm đoạt 3.621 tỷ đồng của hơn 30.000 nhà đầu tư.
Ở hành vi thao túng chứng khoán, với mục đích thu lợi bất chính thông qua các cổ phiếu đã niêm yết của các công ty trong Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế mượn giấy tờ cá nhân của 45 người để thành lập, đứng tên doanh nghiệp và mở 500 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán.
Sau đó, sử dụng các tài khoản này đặt lệnh mua bán liên tục, mua bán khớp nội nhóm, mua bán khối lượng lớn vào thời điểm mở cửa, đóng cửa thị trường, đặt lệnh rồi hủy lệnh nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, thao túng giá đối với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Qua đó, ông Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm thu lời bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Trước đó, Cơ quan điều tra đã kê biên 3 bất động sản, tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp…) với cổ phần/vốn góp, cổ phiếu… đứng tên Trịnh Văn Quyết.
Bao gồm 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…