Theo NBC News, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ ghi nhận biến chủng mới XBB.1.5 đang lan rộng ở nước này những ngày đầu năm 2023. XBB.1.5 là họ hàng của biến chủng Omicron XBB, tái tổ hợp từ hai biến chủng phụ là BA.2.10.1 và BA.2.75. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cả XBB và XBB.1.5 hiện chiếm 44% trường hợp ở Mỹ, lấn át các chủng phụ Omicron khác.
SỐ CA LÂY NHIỄM TĂNG SAU KỲ NGHỈ LỄ
Tính đến ngày 30/12/2022, CDC Mỹ cho biết đã ghi nhận khoảng 40% số ca nhiễm mới là do biến thể XBB.1.5 gây ra, tăng 20% so với một tuần trước đó. Đặc biệt, tại khu vực Đông Bắc nước Mỹ, có đến 75% số ca dương tính với biến thể phụ này. Tổng số ca mắc của biến thể XBB và XBB.1.5 hiện nay chiếm 44% tổng số ca mắc mới tại Mỹ, lấn át hoàn toàn so với các biến thể phụ khác của Omicron.
Đồng thời, cũng theo dữ liệu của CDC, hai biến thể phụ khác của Omicron là BQ.1 và BQ.1.1 chiếm khoảng 45% số ca mắc Covid-19 mới ở Mỹ trong tuần qua. BQ.1.1 và BQ.1 thuộc dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron. Hai dòng phụ mới này phát triển đặc biệt nhanh kể từ tháng 10 vừa qua. Vào đầu tháng 10, mỗi dòng phụ này gây ra khoảng 1% số ca mắc mới ở Mỹ. Tới giữa tháng 11, BQ.1.1 và BQ.1 đã thay thế BA.5 trở thành các chủng chủ đạo ở nước này. Số ca nhiễm BA.5 chỉ chiếm 10% số ca mắc mới tại Mỹ trong tuần gần đây nhất.
Theo một nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Cell, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng các loại vaccine "gần như không vô hiệu hóa được" các biến thể phụ BQ và XBB, kể cả các liều vaccine tăng cường mới chống biến thể Omicron. Đây có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc mới và tái mắc gia tăng.
Tiến sĩ Barbara Mahon, giám đốc bộ phận nghiên cứu các loại virus hô hấp của CDC, cho biết chưa có dấu hiệu XBB.1.5 gây triệu chứng nặng hơn các loại Omicron khác. Tuy nhiên, tổng số ca nhập viện do Covid-19 đang gia tăng trên khắp nước Mỹ. Số ca nhập viện do Covid-19 hôm 31/12/2022 là hơn 42.000, tăng 4,2% so với hai tuần trước đó, theo NBC News. Số ca vào khu hồi sức tích cực trong 7 ngày cũng tăng lên 5.100 mỗi ngày, hơn 9% so với hai tuần trước.
Tiến sĩ Andrew Pekosz, nhà virus học tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết sự xuất hiện XBB.1.5 trong đợt nghỉ lễ với lượng người đi lại tăng vọt khiến các ca bệnh gia tăng. Tuy nhiên, ông cũng nhận định mũi tiêm tăng cường dường như đang ngăn ngừa số ca trở nặng. TS. Pekosz khuyến cáo: “Dường như các liều tăng cường đang cung cấp khả năng bảo vệ liên tục chống lại việc nhập viện khi nhiễm các biến thể này. Chúng ta cần nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm liều tăng cường cho nhóm dân số có nguy cơ cao”.
CUỘC ĐUA VACCINE "ĐA TRỊ"
Các nghiên cứu phòng thí nghiệm trước đó phát hiện XBB có khả năng trốn tránh kháng thể từ các lần tiêm chủng và mắc Covid-19 trước đó. Nghĩa là người từng nhiễm nCoV vẫn có thể tái nhiễm XBB và các chủng phụ. XBB cũng có khả năng trốn tránh liệu pháp kháng thể đơn dòng, khiến nhiều loại thuốc không còn có tác dụng.
"Đây có thể là biến chủng né tránh miễn dịch mạnh mẽ nhất, gây ra nhiều vấn đề cho các phương pháp điều trị và chiến lược phòng ngừa dựa trên kháng thể đơn dòng hiện nay",
Amesh Adalja, chuyên gia y tế công cộng tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins, nhận định.
XBB có ít nhất 7 đột biến mới, kết hợp với nhau khiến hệ thống miễn dịch khó nhận biết, do đó nhiều khả năng trốn tránh kháng thể và xâm nhập vào tế bào. XBB có nhiều điểm tương đồng với một biến chủng khác đang lây lan ở châu Âu là BQ.1.1 Các chuyên gia gọi chúng là biến chủng có "sự tiến hóa hội tụ". Các dòng virus riêng biệt lựa chọn đột biến giống nhau để phát triển, học cách trở thành loại virus vượt trội so với phiên bản trước đó. Tuy nhiên, các thành phần khác của hệ thống miễn dịch (chẳng hạn tế bào T) vẫn giúp ngăn ngừa bệnh chuyển nặng và làm giảm đáng kể nguy cơ tử vong.
Bên cạnh đó, TS. Rick Bright, nhà miễn dịch học Mỹ, cựu giám đốc Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu Y sinh Cao cấp (BARDA), dẫn kinh nghiệm từ Singapore, quốc gia từng đối mặt làn sóng XBB, rằng tác động của biến chủng mới đã không gây ra lo ngại đáng kể ở đảo quốc Sư tử bởi người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ bằng các loại vaccine, sử dụng cả liều tăng cường.
Tuy nhiên, tình hình tại Mỹ có thể nghiêm trọng hơn. Hiện chỉ hơn 37% người từ 65 tuổi trở lên tại nước này đã tiêm liều tăng cường được điều chỉnh để chống lại Omicron, theo dữ liệu của CDC. Trước đó, các nhà khoa học nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng bằng vaccine lưỡng trị (loại vaccine đã tinh chỉnh, phù hợp ngăn ngừa virus gốc và các biến chủng mới) để củng cố hệ miễn dịch.
Trước tình hình này, Pfizer và Moderna đang thử nghiệm các loại vaccine thế hệ mới, đã điều chỉnh nhắm đến những biến chủng phụ của Omicron như BA.1, BA.2, BA.5 và XBB. Vaccine thế hệ mới được gọi là các vaccine "đa trị", được dự đoán sẽ hoạt động tốt trước các biến chủng phụ mới xuất hiện của Omicron. Trước đó, vaccine tăng cường thế hệ mới giúp người dùng có phản ứng miễn dịch mạnh hơn đối với biến thể phụ BA.4/BA.5 cũng đã được Pfizer và BioNTech bổ sung thêm dữ liệu về thử nghiệm trên người.
Trong thông báo chung hồi tháng 10/2022, hai hãng dược trên cho biết kết quả thử nghiệm với khoảng 80 người trưởng thành, cho thấy vaccine tăng cường thế hệ mới giúp tăng đáng kể mức kháng thể trung hòa đối với biến thể BA.4/BA.5 sau một tuần. Dù vậy, các chuyên gia nhận định thế giới vẫn cần đến vaccine thế hệ ba, thậm chí 4 để bắt kịp với virus đang phát triển nhanh chóng. XBB là một biến chủng đáng quan tâm, song nó không phải lần tiến hóa cuối cùng của nCoV. Virus sẽ tiếp tục đột biến và tìm ra những cách mới để trốn tránh miễn dịch ở người.