Trong báo cáo cập nhật triển vọng ngành thép vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt nhận định, thị trường Bất động sản Trung Quốc – thị trường tiêu thụ chính cho nhóm sản phẩm thép – chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, và vì vậy nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu cho lò cao quặng sắt, than cốc, thép phế cũng ở mức thấp.
Qua đó, giá nguyên liệu đã có giai đoạn giao dịch ít biến động trong đầu quý 3/2023, giá than cốc giao dịch ở mức USD 230-240/tấn, trong khi giá quặng sắt giao dịch ở mức trung bình USD 110/tấn, song đã có sự biến động mạnh trong tháng 9.
BIÊN LỢI NHUẬN GỘP DOANH NGHIỆP THÉP GIẢM TRONG QUÝ 4?
Giá quặng sắt trong tuần đầu tháng 9 đã bật tăng lên mức USD 120/tấn tăng 9% so với tháng trước, tiệm cận mức giao dịch cao nhất trong năm 2023.
Nguyên nhân do nhu cầu nguyên liệu từ thị trường châu Á có sự cải thiện đặc biệt là Ấn Độ đã nối lại sản xuất quặng sắt viên tại Mangalore để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng; Hoạt động tích trữ hàng hóa trước kỳ nghỉ lễ trung thu của Trung Quốc (tuần đầu tiên của tháng 10) trong khi tồn kho tại các cảng biển ở mức thấp.
Sau kỳ nghĩ lễ thì hoạt động khai thác trở lại, tuy nhiên các nhà giao dịch đang kì vọng thị trường tiêu thụ chính Trung Quốc sẽ có dấu hiệu hồi phục nhu cầu nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Do đó, yếu tố kì vọng có thể khiến giá quặng sắt neo ở mức USD 110-120/tấn mặc dù đây vẫn là mức giá thấp trong giai đoạn 2019-2023.
Giá than luyện cốc (than Úc), biến động tương tự như giá quặng sắt, khi đã bật tăng lên USD 340/tấn (+36%MoM), qua đó thiết lập mức giá cao mới trong năm 2023 và hiện đang duy trì ở vùng giá này trong tháng 10.
Việc giá than tăng mạnh hơn và duy trì ở nền giá cao hơn, không chỉ đến từ các nguyên nhân tương tự giá quặng sắt, còn đến từ lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung vì vấn đề môi trường, hoạt động khai thác mỏ mới tại Úc trong những năm gần đây bị hạn chế khiến gia tăng xu hướng đầu cơ.
Với việc Úc là thị trường cung cấp than cốc chính cho các lò BOF, thiếu hụt nguồn cung sẽ không thể khắc phục trong ngắn hạn, qua đó khả năng cao là giá than sẽ neo ở quanh mức USD 310-320/tấn cho tới cuối quý 4.
Nhìn chung, VDSC cho rằng có rủi ro suy giảm với biên lợi nhuận gộp (GPM) của các doanh nghiệp thép sử dụng lò BOF (Hòa Phát, Pomina,…) trong quý 4, khi giá than cốc chiếm ~30% nguyên liệu sản xuất thép thô đang duy trì ở mức cao như đã đề cập và giá thép thanh chưa thể tăng tương ứng do nhu cầu tiêu thụ trong nước còn thấp.
Đối với tập đoàn Hòa Phát, biên GPM quý 3/2023 được dự phóng ở mức 12,7% (cải thiện so với biên GPM đạt 8,7% trong 1H23). Sang quý 4/2023, với kịch bản giá than cốc duy trì ở mức USD 320/tấn trong khi giá thép thanh không tăng, ước tính GPM của HPG trong quý 4 có thể giảm về mức ~10%.
CẦN THEO DÕI THÊM CỔ PHIẾU THÉP
Nhìn chung trong quý 3, giá thép phế Việt Nam ổn định ở mức 9 triệu đồng/tấn (USD 380/tấn). Trên thị trường thế giới, giá thép phế Đài Loan cũng giao dịch ở vùng USD 360-370/tấn, cho thấy nhu cầu tiêu thụ thép vẫn ở mức thấp. Giá thép phế ít biến động cũng là cơ sở cho kì vọng giá thép thanh trong nước sẽ ổn định trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.
Trong quý 3/2023, giá HRC Việt Nam được giữ tương đối ổn định ở mức USD 570/tấn, qua đó các công ty sản xuất tôn mạ (NKG, HSG, GDA) có thể duy trì GPM tương đương so với quý 2.
Trên thế giới, do nhu cầu tiêu thụ yếu, giá HRC có xu hướng giảm về mức thấp trong năm 2023. Cụ thể, giá HRC Trung Quốc đang giao dịch ở USD 520/tấn, mức thấp nhất trong năm 2023. Tuy nhiên chúng tôi đánh giá rằng sự điều chỉnh của giá HRC Trung Quốc mang tính ngắn hạn, do tại mức giá này các nhà sản xuất thép đang lỗ ~USD 50/tấn và sẽ có xu hướng cắt giảm sản lượng và giảm nguồn cung trên thị trường.
Qua đó, giá HRC Việt Nam sẽ chị chịu áp lực giảm giá ngắn hạn và kì vọng có thể duy trì mức giá trung bình đạt USD 570/tấn, tránh ảnh hưởng tiêu cực tới kết quả kinh doanh của các công ty tôn mạ trong quý 4.
Trong quý 3/2023, VDSC cho rằng kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu thép xây dựng (bao gồm HPG) sẽ có sự tăng trưởng dương so với Q2/2023 do nguyên vật liệu chốt giá từ quý trước và chính sách giảm số ngày tồn kho để tránh ảnh hưởng từ biến động giá nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, với rủi ro từ diễn biến giá nguyên liệu cho các nhà sản xuất thép xây dựng, các nhà đầu tư cần theo dõi diễn biến giá nguyên liệu, đặc biệt trong giai đoạn tháng 10, trước khi đưa ra quyết định đầu tư vào các cổ phiếu trong ngành.