Theo Bloomberg, với các nhà đầu tư, một trong những rào cản lớn nhất cho sự phục hồi của khu vực Đông Nam Á là tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 thấp. Nhiều quốc gia trong khu vực hiện chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ ở mức hai con số, khiến các chính phủ phải hoãn việc mở cửa trở lại nền kinh tế và tái áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch - ngược lại với phần còn lại của thế giới. Điển hình nhất là việc Indonesia mới đây tuyên bố từ bỏ mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng Covid-19.
Trong tháng qua, thị trường chứng khoán Philippines và Việt Nam nằm trong nhóm giảm điểm mạnh nhất thế giới. Tuần này, hãng thực phẩm lâu đời Del Monte Philippines đã quyết định hoãn niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) do quan ngại về biến động của thị trường khi số ca nhiễm Covid-19 tại Philippines gia tăng.
Một số nhà phân tích dự báo các loại tiền tệ của Đông Nam Á sẽ tiếp tục giảm giá trong quý này, với đồng Baht của Thái Lan đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2018.
“Các thị trường tài chính ở ASEAN (Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á) đang chịu tác động tiêu cực bởi họ chưa đạt được tỷ lệ tiêm vaccine 70% để kìm hãm sự lây lan của dịch bệnh”, Alan Richardson, quản lý danh mục cấp cao tại Samsung Asset Management, nhận định. “Tiêm chủng trên diện rộng là cách duy nhất để mở cửa trở lại một cách bền vững bởi Covid-19 sẽ trở thành một căn bệnh đặc hữu”.
Trên thị trường chứng khoán châu Á vốn tăng trưởng chậm hơn so với thế giới, chỉ số chứng khoán của các nước ASEAN càng cho thấy sự suy giảm tồi tệ. Chỉ số MSCI ASEAN đã giảm hơn 5% từ đầu năm nay, so với mức tăng 0,2% của chỉ số MSCI Asia Pacific Index toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương. Trong khi đó, chỉ số MSCI AC World Index của chứng khoán toàn cầu tăng 13%.
“Chúng tôi tin các nước nhiều khả năng sẽ phải điều chỉnh giảm dự báo GDP thêm nữa”, Arun Sai, nhà chiến lược tài sản cấp cao tại Pictet Asset Management, có trụ sở ở London (Anh), nhận định. “Dựa trên các chỉ số hàng đầu, chúng tôi dự báo Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore nằm trong nhóm cuối bảng trong số các thị trường mới nổi năm nay”.
Mặc dù vậy, chứng khoán Singapore hiện đang đi ngược xu hướng với mức tăng từ đầu năm là 12%. Quốc đảo này đã tiêm đầy đủ vaccine cho hơn 60% dân số.
Trên thị trường trái phiếu chính phủ, Thái Lan, Philippines và Malaysia đều chịu ảnh hưởng với chỉ số tổng lợi nhuận (TRI) tính theo USD giảm khoảng 1% từ cuối tháng 6. Các nhà đầu tư lo ngại rằng các chính phủ phải gánh thêm nợ để có nguồn lực kìm hãm các đợt bùng phát dịch bệnh và hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mặc dù vậy, thị trường trái phiếu Đông Nam Á vẫn có những điểm sáng. Indonesia là một trong số đó. Tháng trước, Indonesia đã giảm mục tiêu phát hành trái phiếu ròng của năm 2021, giúp trái phiếu chính phủ nước này có lợi suất cao hơn, thậm chí hấp dẫn hơn khi lợi suất trái phiếu Mỹ sụt giảm.
Về tiền tệ, đồng nội tệ Ringgit của Malaysia và đồng Peso của Philippines đã lần lượt giảm gần 2% và 3% so với đồng USD kể từ đầu quý này. Trong khi đó, đồng Baht Thái hiện nằm trong số các tiền tệ giảm giá mạnh nhất thế giới khi mất gần 4% giá trị.
HSBC dự báo tiền tệ của các nước ASEAN sẽ tiếp tục giảm giá trong những tháng tới do độ lệch tổng sản lượng (output gap) trong nền kinh tế còn lớn.
Cuối tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của các nền kinh tế mới nổi châu Á, trong đó có Đông Nam Á. Báo cáo của IMF nhận định số ca nhiễm mới Covid-19 tăng nhanh do biến chủng Delta và chiến dịch tiêm chủng chậm chạp đang phủ bóng lên triển vọng kinh tế khu vực. Theo đó, nhóm 5 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất trong ASEAN - gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam - bị IMF hạ dự báo tăng trưởng 0,6 điểm phần trăm, còn 4,3%.