March 04, 2021 | 12:31 GMT+7

Big Tech hết thời "hô mưa gọi gió"?

kiều oanh

Hàng loạt quốc gia đưa ra những động thái thắt chặt kiểm soát đối với Big Tech

Trong suốt mấy thập kỷ liền, các công ty công nghệ lớn (Big Tech) như Google, Facebook, Alibaba, Microsoft, Amazon, Twitter... đã tận hưởng môi trường không thể tốt hơn để phát triển: các quy chế giám sát lỏng lẻo, mức độ cạnh tranh thấp và sự yêu mến của công chúng. Nhưng giờ đây, tất cả những điều đó đều bắt đầu đảo ngược.

LIÊN TIẾP NHỮNG VỤ KIỆN VÀ ĐIỀU TRA 

Sau khi khởi kiện chống độc quyền đối với Google vào tháng 10/2020, Chính phủ Mỹ tiếp tục có động thái tương tự nhằm vào Facebook vào tháng 12. Ở Trung Quốc, Alibaba trở thành mục tiêu của một cuộc điều tra chống độc quyền của cơ quan chức năng, sau khi vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá của Ant Group - một công ty con của Alibaba - bất ngờ bị đình chỉ vào phút chót.

Tâm điểm trong vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Google là một thỏa thuận, theo đó Google trả cho Apple từ 8-12 tỷ USD mỗi năm để Google trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị Apple. Google cũng bị nghi có một thỏa thuận "ngọt ngào" với Facebook để trang mạng xã hội lớn nhất thế giới không hỗ trợ hệ thống quảng cáo cạnh tranh với Google, do các nhà xuất bản tin tức hậu thuẫn. Trong cuộc điều tra nhằm vào Alibaba, nhà chức trách Trung Quốc không đưa ra nhiều chi tiết cụ thể, nhưng nói sẽ làm sáng tỏ việc hãng thương mại điện tử khổng lồ này yêu cầu các nhà bán hàng ký thỏa thuận chỉ bán trên các nền tảng của Alibaba chứ không được bán trên các nền tảng đối thủ, nói cách khác là "chọn một trong hai".

Tháng 11, Liên minh châu Âu (EU) chính thức công bố những cáo buộc trong vụ kiện chống độc quyền nhằm vào Amazon, cho rằng công ty này lạm dụng thế thống trị trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến. Nếu bị kết tội, Amazon có thể lĩnh án phạt lên tới 37 tỷ USD. EU đã trở thành một "chiến trường" lớn đối với công ty công nghệ, bởi khu vực này có những quy định ngặt nghèo về bảo vệ dữ liệu, nội dung gây thù ghét, thuế, và cạnh tranh. Hồi tháng 10, EU đã lên một danh sách gồm 20 công ty công nghệ lớn - gồm Facebook, Apple, Amazon, và Google - cần tăng cường giám sát để hạn chế bớt ảnh hưởng, dù nhiều công ty trong số này đã bị EU khởi kiện hoặc điều tra.

Gần đây hơn, cơ quan bảo vệ cạnh tranh của Anh vào hôm 22/2 cảnh báo sắp có những động thái chống độc quyền nhằm vào các hãng công nghệ lớn. Australia hôm 25/2 thông qua một đạo luật mới yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số như Facebook và Google phải trả tiền cho các tờ báo, hãng tin và nhà xuất bản ở nước này để liên kết nội dung trên bảng tin hoặc kết quả tìm kiếm. Luật mới của Australia có thể đặt ra tiền lệ cho các quốc gia khác trong việc điều tiết các công ty công nghệ lớn. Những nước như Pháp đã có một số biện pháp buộc các công ty công nghệ phải trả tiền mua tin tức, trong khi một số nước khác như Canada và Anh đang cân nhắc bước đi tiếp theo.

Những động thái liên tiếp của cơ quan chức năng các nước cho thấy mức độ lo ngại lớn về tầm ảnh hưởng của Big Tech, đặc biệt là sau khi có những bằng chứng cho thấy các nền tảng truyền thông xã hội lớn đã bị thao túng nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ năm 2016. Mới đây, việc Facebook và Twitter buộc phải khóa tài khoản cá nhân của cựu Tổng thống Donald Trump trong những ngày cầm quyền cuối cùng của ông sau vụ bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ một lần nữa cho thấy mức độ ảnh hưởng lớn của những trang mạng xã hội này.

ÁP LỰC CẠNH TRANH NGÀY CÀNG LỚN 

Không chỉ bị các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, Big Tech còn đang ở trong một môi trường cạnh tranh ngày càng "nóng". Nhìn từ bên ngoài, Big Tech tạo ấn tượng về một "câu lạc bộ" thân tình, không ai cản đường ai, hoặc thậm chí còn giúp đỡ lẫn nhau để củng cố thế độc quyền của mỗi công ty, và mỗi "ông lớn" chỉ có thể ngày càng mạnh lên. Theo số liệu mà tờ Economist đưa ra, năm ngoái, top 10 công ty công nghệ kỹ thuật số lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa thị trường đạt tổng lợi nhuận ròng 261 tỷ USD và tổng vốn hóa 3,9 nghìn tỷ USD,  con số lớn hơn cả vốn hóa của toàn thị trường chứng khoán nước Anh.

Đúng là giữa Big Tech có sự hợp tác, nhưng chỉ để đảm bảo sự tương thích hoạt động giữa các sản phẩm của nhau. Trên thực tế, chính các "ông lớn" này thừa nhận rằng bản chất mối quan hệ giữa họ là cực kỳ cạnh tranh. Mới đây, Tổng giám đốc (CEO) Mark Zuckerberg của Facebook gọi Apple là "một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi". Facebook chạy quảng cáo chỉ trích Apple việc cài đặt bảo mật mới trên điện thoại iPhone hỏi người dùng có muốn thôi bị truy dấu trên các ứng dụng và trang web của công ty khác.

Hôm 22/2, Microsoft hợp tác với các nhà xuất bản tin tức ở châu Âu để phát triển một hệ thống trả tiền mua tin tương tự như hệ thống mà Google và Facebook phản đối ở Australia. Khi Microsoft lên tiếng ủng hộ luật trả tiền mua tin ở Australia hồi đầu tháng này, Google "phản pháo" rằng "dĩ nhiên Microsoft muốn áp gánh nặng lên đối thủ và tăng thị phần của mình" - ám chỉ đến công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.

Sự cạnh tranh giữa các Big Tech thể hiện rõ nét ở Trung Quốc, nơi Alibaba và Tencent giằng co nhau ở một loạt lĩnh vực, từ bán hàng trực tuyến, ví điện tử, cho tới điện toán đám mây.

Tại Mỹ, nhóm Big Tech gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon, Apple, Facebook và Microsoft cũng bắt đầu có sự giằng co. Cạnh tranh giữa các Big Tech Mỹ đặc biệt căng thẳng ở mảng đám mây - lĩnh vực hiện có quy mô 63 tỷ USD, đang tăng trưởng với tốc độ hàng năm 40% và được dự báo sẽ đạt mức 1 nghìn tỷ USD trong 1-2 thập kỷ tới. Ngoài ra, Facebook lăm le bước chân vào mảng thương mại điện tử khi ra mắt tính năng Facebook Shops vào tháng 5 năm ngoái...

Và cuối cùng, tình cảm của công chúng dành cho Big Tech không còn lớn như xưa.

Một cuộc khảo sát công bố vào trung tuần tháng 2 của Viện Gallup, Mỹ cho thấy cái nhìn của công chúng Mỹ đối với các công ty công nghệ lớn đã xấu đi nhiều trong một năm rưỡi trở lại đây.

45% số người Mỹ trưởng thành được hỏi trong cuộc khảo sát này cho biết họ có quan điểm tiêu cực hoặc rất tiêu cực đối với các công ty công nghệ lớn như Amazon, Facebook và Google, so với mức 33% trong cuộc khảo sát tương tự vào tháng 8/2019.  Tỷ lệ nói có quan điểm tích cực về những công ty này là 34% từ mức 46% trong lần khảo sát trước, và quan điểm trung tính là 20%. Cùng với đó, tỷ lệ ủng hộ Chính phủ Mỹ tăng cường giám sát Big Tech tăng từ 48% cách đây 18 tháng lên 57%.

Tại Trung Quốc, tỷ phú Jack Ma - người từng được coi là tấm gương thành công cho thế hệ trẻ nước này  - đang hứng sự chỉ trích mạnh mẽ trên truyền thông nhà nước và mạng xã hội. Từ hình ảnh "chú Mã" đầy thân thiện trước đây, truyền thông Trung Quốc đã thay đổi hình ảnh Jack Ma thành một doanh nhân "ma cà rồng" đầy chộp giật và thích bóc lột người nghèo. Trong một bài blog, một nhà bình luận của truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV gọi Ant Group là "ký sinh trùng tài chính".

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate