UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị quản lý, phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn. Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết thời gian qua, các chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đã tập trung nguồn lực đầu tư và cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo điều kiện thu hút dự án đầu tư và hoạt động của doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Việc thu hút các dự án đầu tư cũng đảm bảo phù hợp với ngành nghề được quy hoạch, suất vốn đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về đầu tư.
NHIỀU KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP ĐÃ ĐI VÀO HOẠT ĐỘNG
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đến nay, trên địa bàn có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích hơn 2.850 ha. Trong đó, có 3 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Nhơn Hội; 2 khu công nghiệp Phú Tài, Long Mỹ đã lấp đầy. Hiện nay có 310 dự án/216 doanh nghiệp đang hoạt động tại các khu công nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 22.000 lao động; tốc độ tăng trưởng về doanh thu, kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 12%/năm, thu ngân sách xấp xỉ 1.000 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Bình Định đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt, trên địa bàn tỉnh quy hoạch 60 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.956,2 ha, bình quân 33 ha/cụm công nghiệp. Trong đó, có 56 cụm công nghiệp đa ngành nghề và 4 cụm công nghiệp chuyên ngành. Hiện 42/60 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp 947,7 ha; diện tích đất công nghiệp cho các doanh nghiệp thứ cấp thuê 592,7 ha (tính chung đã cho thuê và có chủ trương đầu tư 740,7 ha), đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân các cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động 62,5% (tính chung đã cho thuê và có chủ trương đầu tư 78,2%).
Các cụm công nghiệp thu hút được 430 dự án đăng ký đầu tư với diện tích 740,7ha, bình quân 1,7ha/dự án (so cả nước 1,3ha/dự án), chủ yếu với các ngành nghề thế mạnh của tỉnh; trong đó, 303 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, 109 dự án đang triển khai và 18 dự án đang tạm ngừng hoạt động; tổng vốn đầu tư của các dự án trong cụm công nghiệp 15.690,8 tỷ đồng, vốn thực hiện 7962.8 tỷ đồng, đạt 50,7% với suất đầu tư bình quân 36,5 tỷ đồng/dự án (so cả nước 23,5 tỷ đồng/dự án)... phù hợp mục tiêu đầu tư xây dựng cụm công nghiệp. Các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp cũng giải quyết việc làm cho 22.632 lao động, với mức lương bình quân từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
TẬP TRUNG ĐẦU TƯ VỀ HẠ TẦNG
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, mục tiêu của tỉnh trong thời gian tới là cơ bản đưa các doanh nghiệp vào các khu, cụm công nghiệp; tập trung mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chính quyền đầu tư hạ tầng đến hàng rào của khu, cụm công nghiệp. Chính quyền quản lý các khu, cụm công nghiệp bằng tiêu chí do Nhà nước giao hàng năm. Trong đó, tập trung vào các tiêu chí: đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút đầu tư sản xuất kinh doanh, giá cho thuê hạ tầng, bảo vệ môi trường… Năm 2024, tỉnh sẽ củng cố toàn bộ khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đảm bảo các khu, cụm công nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, bài bản, đúng quy định, hấp dẫn các nhà đầu tư.
Về nhiệm vụ trọng tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn yêu cầu các khu công nghiệp xây dựng nội quy, quy chế quản lý, hoạt động khu công nghiệp và phải được Ban quản lý Khu kinh tế phê duyệt; thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên trách. Các khu công nghiệp đã lấp đầy, tập trung quản lý vấn đề môi trường, hạ tầng, an ninh trật tự, vệ sinh, cảnh quan… Các khu công nghiệp đang triển khai, tập trung quản lý về lấp đầy diện tích đất khu công nghiệp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giá cho thuê hạ tầng. Các khu công nghiệp chuẩn bị triển khai, tập trung xây dựng tiêu chí để các doanh nghiệp vào đầu tư ký cam kết thực hiện.
Bên cạnh đó, Chủ tịch tỉnh yêu cầu tổng rà soát các cụm công nghiệp. Đối với cụm công nghiệp do đơn vị của Nhà nước làm chủ đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp đảm bảo tiến độ; xúc tiến thu hút đầu tư, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp. Đối với cụm công nghiệp do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, khẩn trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo quy hoạch chi tiết được phê duyệt; thông báo giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật tới đơn vị liên quan để rà soát, kiểm tra yếu tố hình thành giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật.
Về quản lý Nhà nước, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh sẽ xây dựng tiêu chí quản lý và giao tiêu chí hàng năm cho từng khu, cụm công nghiệp, đồng thời có biện pháp xử lý nghiêm trường hợp vi phạm các tiêu chí được giao. Chính quyền tạo điều kiện cho các chủ đầu tư khu, cụm công nghiệp thông qua hoạt động như: xây dựng hạ tầng đến hàng rào của khu, cụm công nghiệp; xem xét hỗ trợ cho các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là khu, cụm công nghiệp mới bằng cách giao mặt bằng sạch; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn bộ hoạt động của các khu, cụm công nghiệp.