October 26, 2023 | 14:29 GMT+7

Bình Định thúc đẩy phát triển công nghiệp thông qua hạ tầng giao thông

Thi Nguyễn -

Tỉnh Bình Định đang khảo sát thực địa dọc tuyến Quốc lộ 19 để xem xét phát triển các khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế, xã hội và mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế….

Tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp - Ảnh minh họa
Tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp - Ảnh minh họa

Bình Định đang tiến hành xem xét phát triển các khu, cụm công nghiệp dọc Quốc lộ 19. Theo đó, tỉnh đang khảo sát thực địa các điểm dọc tuyến tránh phía Nam Quốc lộ 19 gồm đoạn kết nối từ tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong với tuyến đường đi Khu công nghiệp Becamex VSIP tại huyện Tây Sơn; đường kết nối từ đập dâng Phú Phong đi quốc lộ 19B.

Dự kiến, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung thêm quỹ đất để phát triển sản xuất công nghiệp dọc tuyến đường tránh phía Nam Phú Phong, đưa vào quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030.

Được biết, Quốc lộ 19 có chiều dài gần 230 km, là tuyến đường kết nối Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (tỉnh Gia Lai) xuống cảng Quy Nhơn (Bình Định). Tuyến đường đang được nâng cấp, khi hoàn thành sẽ tạo trục giao thông, hàng hóa kết nối Tây Nguyên với cảng Quy Nhơn.

Cạnh Quốc lộ 19 hiện có hai khu công nghiệp hoạt động là Nhơn Hòa (314 ha) và Bình Nghi (228 ha). Việc hình thành các khu công nghiệp dọc trục dự kiến thu hút nhiều nhà đầu tư, tạo động lực cho kinh tế xã hội.

Trước đó, ngày 8/9/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định cũng đã tổ chức lễ khởi công Dự án tuyến đường kết nối Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định.

Dự án tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định đi qua địa phận thị xã An Nhơn, các huyện Tây Sơn và Vân Canh, với chiều dài tuyến khoảng khoảng 19,5km.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3, nền đường rộng 12m, 4 hai làn xe, vận tốc thiết kế 60 - 80 km/h, các công trình thoát nước, hệ thống an toàn giao thông và điện chiếu sáng trên toàn tuyến.

Dự án tổng mức đầu tư 1.171 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương là 800 tỷ đồng, còn lại ngân sách là địa phương. Công trình có thời gian thực hiện 24 tháng, do Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư.

Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định là Khu công nghiệp và Đô thị tích hợp theo thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa 2 tỉnh Bình Dương và Bình Định, được kỳ vọng sẽ là “cực” thu hút đầu tư hiệu quả, góp phần vào sự phát triển đột phá về kinh tế – xã hội của tỉnh.

Do đó, dự án đường nối quốc lộ 19 đến khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thu hút đầu tư, tạo đột phá phát triển kinh tế, xã hội và mở rộng quan hệ giao lưu kinh tế.

Không chỉ vậy, tỉnh Bình Định có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp, địa phương có hệ thống giao thông khá đồng bộ. Cùng với Quốc lộ 19 chạy theo hướng Ðông - Tây, nối các tỉnh Tây Nguyên, Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam xuyên suốt chiều dài của tỉnh.

Bên cạnh đó, sân bay Phù Cát là một trong bốn sân bay lớn ở phía Nam. Cùng với cảng biển Quy Nhơn trong vùng neo đậu kín gió, cầu cảng có thể đón tàu trọng tải 30.000 tấn.

Trong 9 tháng năm nay, công nghiệp tỉnh Bình Định tăng trưởng 4,68%. Giá trị sản xuất công nghiệp có sự tăng trưởng, từ 52.537 tỷ đồng năm 2021 lên 56.848 tỷ đồng vào năm 2022. Trong 6 tháng tháng đầu năm 2023, con số ước đạt 28.488 tỷ đồng. Tỉnh duy trì tăng trưởng nhiều ngành nghề trọng điểm như năng lượng tái tạo, chế biến thực phẩm, hàng may mặc, sản xuất thuốc, chế biến gỗ...

Từ năm 2022, Bình Định thu hút 135 dự án công nghiệp (có 4 dự án FDI), 45 dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng. Nửa cuối năm 2023 có 9 dự án đã đưa vào hoạt động. Tỉnh đang thực hiện khuyến khích các ngành nghề công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate