Dự án Cảng sông An Tây nằm giáp sông Sài Gòn có diện tích 100ha, tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỉ đồng sau khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm luân chuyển hàng hóa khu vực, giảm tải giao thông cho các tuyến đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, 453 tỷ đồng dùng để giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư.
Cảng được quy hoạch nằm giáp sông Sài Gòn, phía Nam xã An Tây, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, được xây dựng nhằm phục vụ các hoạt động vận tải hàng hóa, hình thành chuỗi dịch vụ logistics (dịch vụ hậu cần) với mô hình vận tải đa phương thức.
Dự án cảng này nhằm phục vụ vận tải cho hệ thống logistics bằng đường sông từ trong nội địa tỉnh Bình Dương đến cảng biển nước sâu Cái Mép - Bà Rịa Vũng Tàu và cảng Cát Lái ở TP.HCM.
Cảng sông An Tây được xây dựng nhằm mang lại hiệu quả tối ưu như hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường thủy; vận tải hàng hóa đường thủy nội địa; vận tải hàng hóa ven biển và viễn dương; bốc xếp hàng hóa, kho bãi; lưu giữ hàng hóa; vận tải hàng hóa bằng đường bộ; hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương sau khi phê duyệt danh mục đầu tư dự án đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tìm đối tác có năng lực, kinh nghiệm đầu tư xây dựng cảng An Tây đúng theo quy định.
Thời gian dự kiến thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027. Theo đó, cảng sông An Tây có công suất theo quy hoạch dự kiến đến 2030 đạt 7 triệu tấn/năm, có thể đón tàu chở container khoảng 3.000 tấn vận chuyển bằng đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn.
Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương cho biết, dự án Cảng sông An Tây đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Cụ thể, cảng sẽ phục vụ vận tải hàng hóa từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Tây Nguyên; lợi thế vị trí của Cảng sông An Tây kết nối hầu hết các khu công nghiệp, tránh được kẹt xe khu vực kết nối với TP.HCM; kết nối đường sông thuận lợi với các cảng Cát Lái, Cái Mép.
Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, khi cảng hoàn thành sẽ tạo ra một khu dịch vụ logistics khép kín nhằm sử dụng hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông đa phương thức, giảm chi phí logistics, thúc đẩy sản xuất công nghiệp tại địa phương trong tỉnh cũng như trong vùng Đông Nam bộ; thu hút một lượng lao động lớn tại địa phương.
Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho người dân, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ, nâng cao chất lượng lao động hiện thực hóa quy hoạch, định hướng phát triển xã hội của tỉnh.
Đồng thời, cảng An Tây sau khi đi vào hoạt động sẽ mang lại sự phát triển kinh tế - xã hội cho thị xã Bến Cát, góp phần vào địa phương này chuẩn bị lên thành phố trực thuộc tỉnh Bình Dương; tăng nguồn thu ngân sách, các khoản thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản lệ phí khác hàng năm của dự án, đặc biệt là phí hải quan nhập khẩu...