Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 50% lao động từ địa phương khác tới Bình Dương sinh sống, làm việc. Họ chủ yếu ở trong những nhà trọ nhỏ, ẩm thấp, điều kiện sống tối thiếu chưa đảm bảo. Mặt khác, tỉnh lại có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao nhất nước, bởi vậy, tỉnh đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến an sinh xã hội, bao gồm cả việc chăm lo, giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ VỀ NHÀ Ở
Theo ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh, Phó giám đốc Sở Xây dựng, Bình Dương đang hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2021-2030, Đề án đặt ra mục tiêu đầu tư 172.879 căn nhà ở xã hội, có tổng diện tích khoảng 612 ha, diện tích sàn xây dựng ước đạt hơn 10 triệu m2, đáp ứng cho trên 678.000 người với tổng mức đầu tư 92.661 tỷ đồng, cao gấp 2 lần chỉ tiêu được Chính phủ giao.
Trong đó, giai đoạn 2021-2025, dự kiến bố trí 158 ha diện tích đất đầu tư hoàn thành trên 42.000 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 2,7 triệu m2, đáp ứng cho 163.476 người; giai đoạn 2026-2030, dự kiến bố trí 454 ha để đầu tư hoàn thành 130.623 căn nhà ở xã hội, với diện tích sàn xây dựng đạt 7,4 triệu m2, đáp ứng cho 514.831 người.
Tuy nhiên “Để thực hiện Đề án đạt hiệu quả cao, việc lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, người lao động, chủ đầu tư nhà ở xã hội, doanh nghiệp có nhu cầu mua, thuê nhà ở xã hội là rất cần thiết, bởi thực tế, quá trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân còn nhiều vướng mắc”, đại diện Sở Xây dựng nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cho biết, thực tế, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán nhà ở xã hội vẫn phức tạp và kéo dài; chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án đã ban hành chưa đủ hấp dẫn; nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng, dẫn đến tình trạng căn hộ để không, lãng phí; chủ đầu tư thu hồi vốn chậm… từ đó càng giảm sức hút đầu tư vào phân khúc này.
Ngoài ra, Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong khi thực tế, nhu cầu của tổ chức doanh nghiệp, hợp tác xã muốn mua, thuê nhà ở xã hội để cho lao động của họ thuê lại ở rất lớn...
Tương tự, ông Nguyễn Như Khánh, nghiên cứu viên, Trung tâm nghiên cứu đô thị và phát triển cũng chỉ ra một số khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp, nhà đầu tư phải đối diện như: nhiều dự án nhà ở xã hội phải tạm dừng do vướng khâu thủ tục khi chờ đợi Luật Đất đai mới được thông qua; một số thủ tục đòi hỏi sự cho phép từ nhiều cơ quan (cấp Bộ) khi thực hiện dự án nhà ở xã hội quy mô lớn. Đặc biệt, việc quy định lãi mà một dự án nhà ở xã hội đem lại cho doanh nghiệp không vượt quá 10% trong chi phí đầu tư đối với giá bán nhà; không vượt quá 15% đối với giá thuê mua nhà, đã làm cho lĩnh vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư, doanh nghiệp…
CẦN SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ
Theo ông Khánh, thời gian tới, cần hỗ trợ hơn nữa chủ đầu tư trong việc phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, vị này cho rằng, việc phát triển nhà ở xã hội của tỉnh Bình Dương còn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của tỉnh, vì những doanh nghiệp, nhà đầu tư này có nguồn vốn lớn để đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội. Dự kiến việc mở rộng xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian tới phải cần thêm sự tham gia của doanh nghiệp, chủ đầu tư vừa và nhỏ. Trong khi doanh nghiệp, chủ đầu tư vừa và nhỏ lại không có khả năng huy động nguồn vốn linh hoạt như doanh nghiệp lớn, mà dựa vào việc vay vốn ưu đãi để thực hiện dự án.
Do đó, đây có thể là thách thức cần ưu tiên tìm giải pháp. Trong đó, vấn đề về vốn được quan tâm từ phía doanh nghiệp nên được gỡ “nút thắt” khéo léo bằng cách tạo hành lang pháp lý, để vận dụng nguồn lực từ xã hội hỗ trợ cho nhà đầu tư hoàn thành dự án nhà ở xã hội. Từ phía đối tượng thụ hưởng cũng xem xét tạo điều kiện cho người lao động chứng minh rằng họ phù hợp với điều kiện thụ hưởng, điều này đòi hỏi rất nhiều nỗ lực từ phía chính quyền địa phương.
Trong khi đó, KTS. Nguyễn Hồng Hải - Tổng công ty Becamex IDC đề xuất: cần có mô hình tài chính hỗ trợ như một quỹ phát triển nhà ở xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, hay Chương trình nhà ở quốc gia với việc cho vay có thể lên tới 70% và lãi suất cố định trong nhiều năm... Đặc biệt, phải có mô hình nhà ở xã hội phù hợp từng địa phương với từng điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn lực, văn hóa, lối sống, các nhóm thu nhập. Nhà nước nên duy trì chính sách xã hội phù hợp trong quá trình quản lý, vận hành, duy tu bảo trì của các khu nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, nhằm đảm bảo được chất lượng sống lâu dài cho người dân.
Đồng thời, KTS. Nguyễn Hồng Hải cũng lưu ý thêm các điểm cần tiếp tục cải thiện trong quá trình xây dựng, vận hành và sử dụng nhà ở xã hội như: Nâng cao hơn nữa chất lượng công trình xây dựng; hỗ trợ công tác bảo trì; tăng cường sử dụng công nghệ trong cả quá trình xây dựng; chú ý công tác duy tu, bảo trì, vận hành... thiết kế đi kèm hạ tầng xã hội cơ bản; phổ cập văn hóa sống chung cư, lối sống đô thị, cộng đồng cho cư dân. Bổ sung thêm chương trình, chính sách hỗ trợ người mua nhà giúp đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường giám sát, giáo dục an ninh, an toàn, vệ sinh, phòng chống cháy, nổ...