January 19, 2024 | 16:51 GMT+7

Bình Dương đặt mục tiêu phát triển nhiều khu công nghiệp xanh

Song Hoàng -

Bình Dương đặt mục tiêu chuyển đổi khu công nghiệp và phát triển khu công nghiệp sinh thái, cụ thể như: Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch, dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh...

Các khu công nghiệp của Bình Dương ngày càng xanh hơn
Các khu công nghiệp của Bình Dương ngày càng xanh hơn

Ngày 18/1, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh Bình Dương, Tổng công ty Becamex IDC và Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức Hội thảo Net Zero với chủ đề: “Hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ tiến tới Net Zero, tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải cho công nghiệp bền vững”.

Theo đại diện UBND tỉnh Bình Dương, bài toán hướng tới phát thải ròng bằng 0 không chỉ giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Với vai trò trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Bình Dương đặt mục tiêu chuyển đổi khu công nghiệp và phát triển khu công nghiệp sinh thái, cụ thể như: Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch, dành tối thiểu 25% diện tích khu công nghiệp cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung, bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động.

Cùng với đó, duy trì và phát triển hành lang sinh thái, hệ thống sông ngòi, kênh rạch bảo đảm sự sống của đất, thực hiện hiệu quả mô hình đô thị công nghiệp - đô thị công nghệ dịch vụ và hệ sinh thái xanh bền vững.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã trao đổi các nội dung như: Nghiên cứu điển hình về khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam do đại diện Becamex IDC trình bày; nghiên cứu về cơ hội phát triển khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam; sáng kiến của IFC trong việc thúc đẩy các công trình xanh và có khả năng chống chịu tại các thị trường mới nổi; kích hoạt quá trình khử carbon của các hệ thống công nghiệp quan trọng theo hướng sứ mệnh. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề về khử carbon công nghiệp, hiệu quả năng lượng công nghiệp và các chương trình hỗ trợ tài chính quốc tế và cơ hội tài trợ xanh nhầm thúc đẩy tính bền vững trong ngành sản xuất.

Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), các khu công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh giảm phát thải, đầu tư vào khu công nghiệp xanh giúp nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. Nhận thức được điều này, các khu công nghiệp đều được đầu tư cơ sơ hạ tầng, đạt các chỉ số cải tiến. Đông Nam Á là khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy các khu công nghiệp xanh.

Tại Việt Nam, WB đã phối hợp với các Bộ ngành triển khai các chương trình xanh, nghiên cứu các nguồn lực của Việt Nam để giảm thiểu khí phát thải. WB đã chọn Becamex IDC làm đối tác để triển khai các dự án xanh do Becamex IDC có nhiều khu công nghiệp đang vận hành ở các địa phương và hạ tầng đầu tư hiện đại, dịch vụ chất lượng cao; sự quyết tâm để triển khai các sáng kiến xanh, cam kết với chương trình nghị sự và các khu công nghiệp xanh. WB đã nghiên cứu các giải pháp trong đó có lắp điện năng lượng mặt trời áp mái trong các khu công nghiệp.

Các giải pháp này có thể thu lợi nhuận mà không cần tài trợ, các doanh nghiệp có thể tận dụng 19% diện tích mái nhà của khu công nghiệp để tạo ra 44 MW điện, thời gian thu hồi khoảng 4,4 năm; tỷ lệ hoàn vốn nội hoạt là 18%; tạo ra 0,21 triệu tấn giảm thiểu khí CO2. Việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái là giải pháp có thể áp dụng và mở rộng ở tất cả các khu công nghiệp tại Việt Nam. Nếu triển khai giải pháp này, Việt Nam có thể giảm thiểu 5% tổng lượng phát thải nhà kính.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate