UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt Đề án Phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, Đề án nhằm phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đạt trình độ công nghệ hiện đại, có khả năng sản xuất các sản phẩm gỗ cao cấp với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất đồ nội thất tỉnh Bình Dương đạt 9-10 tỷ đô la Mỹ; năm 2030 đạt 12 - 13 tỷ đô la Mỹ. Xây dựng 09 cụm công nghiệp chuyên ngành chế biến gỗ với diện tích trung bình 70-75 ha/cụm; hoàn thành 01 cụm công nghiệp trong năm 2022 và tiếp tục hoàn thành 08 cụm còn lại trước năm 2025. Nhu cầu gỗ xẻ đạt 3.855.107 m3 và gỗ công nghiệp đạt 474.616 m3.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất và giá trị gia tăng ngành công nghiệp chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tỉnh Bình Dương bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 20%/năm; giai đoạn 2026-2030 đạt 10%/năm.
Đề án cũng ban hành các định hướng phát triển cụ thể như sau: Đối với ngành chế biến gỗ nguyên liệu, sẽ đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản xuất các loại gỗ nguyên liệu chất lượng cao phục vụ ngành sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao cấp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, bao gồm đầu tư giống cây trồng để tạo ra những loại nguyên liệu gỗ nhân tạo, gỗ công nghiệp; duy trì và phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng (gỗ cao su và gỗ tràm) tại các địa phương trong Vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên; hình thành mối liên kết phát triển vùng nguyên liệu gỗ giữa tỉnh Bình Dương và các tỉnh trong Vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên; phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành chế biến gỗ nguyên liệu chất lượng cao phục vụ sản xuất các sản phẩm từ gỗ cao cấp xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, ưu tiên thu hút những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, sử dụng ít lao động và tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh; duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các loại gỗ nguyên liệu chất lượng cao…
Đối với ngành sản xuất sản phẩm từ gỗ, sẽ đa dạng hóa mẫu mã các loại sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Cơ cấu sản phẩm gồm dòng sản phẩm cao cấp được làm từ gỗ cao cấp (chiếm 15- 20%) và sản phẩm chất lượng cao được làm từ gỗ có chất lượng phổ thông (80 - 85%) nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xây dựng và phát triển thương hiệu các loại sản phẩm đồ gỗ nội thất chất lượng cao của tỉnh trên thị trường trong nước và quốc tế; đầu tư đổi mới công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại để sản xuất các sản phẩm từ gỗ chất lượng cao phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước…
Đối với định hướng phát triển khu, cụm công nghiệp ngành chế biến gỗ: Nghiên cứu, lựa chọn một số khu công nghiệp được quy hoạch, đáp ứng các điều kiện về quy mô diện tích, cơ sở hạ tầng, ngành nghề thu hút đầu tư để phát triển mô hình "nhà xưởng cao tầng trong khu công nghiệp" phục vụ thu hút các dự án đầu tư ngành sản xuất đồ gỗ nội thất; nghiên cứu tích hợp vào quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 một số khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất đồ gỗ nội thất. Sau khi quy hoạch tỉnh Bình Dương được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tổ chức triển khai trong giai đoạn sau năm 2025.
Đồng thời, bố trí các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất vào các khu công nghiệp gắn với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành chế biến gỗ. Phát triển cụm công nghiệp theo hướng tập trung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng; phân bố và quy hoạch các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp ngành chế biến gỗ tại các huyện phía Bắc tỉnh Bình Dương một cách hợp lý…