Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh là 48.304 người, tăng 9,65% so với 6 tháng đầu năm 2022 (44.049 người). Trong đó, 44.394 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm ngoái (41.839 người).
NGƯỜI LAO ĐỘNG THẤT NGHIỆP ĐỀU ĐƯỢC TƯ VẤN VIỆC LÀM, HỌC NGHỀ
Tất cả người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn các chính sách lao động việc làm, bảo hiểm thất nghiệp cũng như tư vấn việc làm, tư vấn học nghề. Số người được tư vấn giới thiệu việc làm 6 tháng đầu năm 2023 là 48.304 người, tăng 20,60% so với 6 tháng đầu năm 2022
Trong 6 tháng đầu năm 2023, số người được giới thiệu việc làm 24.708 người, giảm 8,16% so với cùng kỳ năm 2022; có 2.341 người có quyết định hỗ trợ học nghề, tăng 43,52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, người lao động rơi vào trình trạng thất nghiệp nguyên nhân chủ yếu như: Hết hạn hợp đồng, hợp đồng làm việc, hoặc hai bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng; chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trước thời hạn; doanh nghiệp tổ chức giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải; người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật và các nguyên nhân khác.
Số lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp dưới 35 tuổi là 24.264 người, từ 35 tuổi trở lên là 24.040 người. Trong tổng số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp có 26.162 lao động nữ; 22.142 nam.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương đánh giá, có sự chênh lệch giữa tỷ lệ nam và nữ nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, thể hiện sự yếu thế của lao động nữ phải đối mặt với nhiều bất bình đẳng kéo dài dai dẳng trên thị trường lao động, và phải mang trên vai gánh nặng kép vừa đi làm vừa cáng đáng trách nhiệm gia đình nặng nề hơn nhiều so với nam giới.
KỊP THỜI GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Theo số liệu thống kê ghi nhận, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhóm lao động phổ thông (không có bằng cấp, chứng chỉ nghề chuyên môn) rơi vào tình trạng thất nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 44.285 người, chiếm 91,67% số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn. Người lao động thất nghiệp là lao động phổ thông, lao động giản đơn và gần như không có thu nhập dự trữ.
Theo sau là nhóm lao động đại học và trên đại học với 2.182 người; lao động cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp 957 người; 656 lao động trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp và lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề chiếm tỉ lệ thấp nhất với 224 người.
Người lao động động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu làm việc trong các ngành kinh tế như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm tỷ lệ cao nhất với 84,75%; sau đó là nhóm xây dựng; vận tải, kho bãi; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội; hoạt động dịch vụ khác.
Để hỗ trợ người lao động thất nghiệp ổn định cuộc sống, sớm tìm kiếm việc làm, trong thời gian tới, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết sẽ chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm kịp thời giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.
Đồng thời, thu thập thông tin việc làm trống của các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền đến người lao động. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung - cầu lao động, tổ chức phỏng vấn online hàng ngày hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp.
Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các ngành theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, góp phần đảm bảo việc làm, thu nhập và ổn định đời sống cho người lao động.
Hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện đúng các quy định của pháp luật lao động, đặc biệt trong vấn đề ngừng việc, thỏa thuận tạm hoãn hoặc nghỉ việc không hưởng lương trong trường hợp doanh nghiệp quá khó khăn không bố trí được việc làm cho người lao động…