Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, qua rà soát các dự án đầu tư và căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013, đã phát hiện 4 dự án du lịch chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, gồm: Dự án du lịch Sao Mai quy mô 21.490,30m2 tại huyện Hàm Thuận Nam; Dự án trồng rừng, khoanh nuôi bảo vệ rừng kết hợp du lịch sinh thái Mũi Yến 1.170.000,18m2 tại huyện Bắc Bình; Dự án khu nghỉ dưỡng Cà Ná 17.981m2, huyện Tuy Phong; Dự án khu dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng Châu Lê 19.499,30m2, huyện Tuy Phong.
Ngoài ra có 2 dự án xăng dầu cũng chậm triển khai, đưa đất vào sử dụng là: Dự án cửa hàng xăng dầu Hữu Thưởng 3.570,5m2, huyện Hàm Thuận Nam, do Công ty TNHH Xăng dầu Hữu Thưởng làm chủ đầu tư; Dự án cửa hàng xăng dầu 670, quy mô 1.018m2, huyện Hàm Thuận Bắc, do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ 314 làm chủ đầu tư.
Được biết, địa phương này vừa tổ chức cuộc họp, thông tin về kết quả rà soát những dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước chậm triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng. Theo đó, trên địa bàn tỉnh có 1.633 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 1.234 dự án đã triển khai đưa vào hoạt động; 198 dự án đang triển khai xây dựng; 201 dự án chưa triển khai.
Qua thống kê danh mục dự án trong từng lĩnh vực, đến nay, nhiều dự án đã xác định được hiện trạng, khó khăn, vướng mắc. Từ đó đề xuất phương án giải quyết để tháo gỡ, thúc đẩy tiến độ và gia hạn tiến độ sử dụng đất cho 28 dự án. Mặt khác, khi rà soát, làm việc với chủ dự án chậm triển khai, có 5 tổ chức bị xử phạt với số tiền 380 triệu đồng; kiến nghị thu hồi, chấm dứt hoạt động 1 dự án.
Tuy nhiên, có nhiều nhiệm vụ liên quan mà tỉnh đánh giá vẫn chưa triển khai nghiêm túc. Bởi một số dự án chậm triển khai, kéo dài rất lâu, không có lý do chính đáng, không tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, vi phạm quy định về đầu tư, đất đai nhưng không đề xuất chấm dứt hoạt động dự án và đề xuất thu hồi đất…
Vì vậy, để xử lý hiệu quả tình trạng các dự án ngoài ngân sách chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng kéo dài nhiều năm, tỉnh Bình Thuận thống nhất thành lập Tổ công tác liên ngành để tổng rà soát lại các dự án chậm tiến độ, trên cơ sở đó đề xuất xử lý cụ thể từng dự án; Lập danh mục các dự án chậm tiến độ từ 5 năm trở lên và dự án chậm tiến độ chưa quá 5 năm chưa được gia hạn tiến độ thực hiện dự án, thời gian sử dụng đất. Trong đó, các dự án đủ điều kiện chấm dứt hoạt động theo quy định, thì trình UBND tỉnh cho chủ trương chấm dứt hoạt động dự án, đối với dự án có khó khăn, vướng mắc do yếu tố bất khả kháng, đủ điều kiện cho gia hạn sử dụng đất và chưa đủ điều kiện chấm dứt hoạt động, thì xem xét thực hiện gia hạn thời gian sử dụng đất theo đúng quy định.
Đông thời, yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát những dự án đã được gia hạn tiến độ đầu tư, và gia hạn thời gian sử dụng đất nhưng đã hết thời gian gia hạn, để thực hiện trình tự, thủ tục chấm dứt hoạt động đầu tư theo quy định; Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xác định giá đất cụ thể, phối hợp cung cấp thông tin cho Sở Kế hoạch và Đầu tư theo đúng thời gian quy định, để xác định các dự án đủ điều kiện thu hồi đất, chấm dứt hoạt động dự án…