Chính sách bảo hiể thất nghiệp thực sự đi vào cuộc sống và là “phao cứu sinh” cho người lao động khi không có việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận cho biết thời gian qua, công tác thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động luôn được Trung tâm quan tâm, chú trọng, giải quyết kịp thời, đúng quy định và đảm bảo thực hiện quyền lợi một cách tốt nhất cho người thất nghiệp.
Người lao động trước khi làm thủ tục đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được nhân viên trung tâm hỗ trợ tư vấn việc làm, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm phù hợp với khả năng và nguyện vọng.
Để được hưởng trợ cấp thất nghiệp, theo Luật Việc làm 2013 quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp; sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định.
Bên cạnh đó, người lao động còn được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được hỗ trợ học nghề khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định với mức hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo tháng, thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học nhưng không quá 6 tháng.
Chỉ tính riêng trong tháng tháng 3/2025, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận đã tiếp nhận 978 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, thành phố Phan Thiết 471 hồ sơ, thị xã Lagi 91 hồ sơ, huyện Đức Linh 307 hồ sơ, huyện Tuy Phong 109 hồ sơ.
Cùng với đó, Trung tâm còn đẩy mạnh việc đưa Dịch vụ công Quốc gia vào tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp với số lượng hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp nộp trên cổng Dịch vụ công quốc gia tăng mạnh. Trong tháng 3, có 493 hồ sơ nộp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đạt tỷ lệ 50,7%. Nâng tổng số hồ sơ tiếp nhận đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp từ đầu năm đến nay là 2.001 hồ sơ. Trong đó, nộp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia là 1.087 hồ sơ, đạt tỷ lệ 54,32%.
Có thể thấy, hiệu quả công tác giải quyết bảo hiểm thất nghiệp trong quá trình xét duyệt đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã được cải thiện và đơn giản hóa. Việc giảm bớt thủ tục phức tạp và rườm rà đã giúp người lao động tiếp cận dễ dàng hơn đến các quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp. Các hồ sơ và thông tin cần thiết cũng được công khai và minh bạch, đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quy trình giải quyết bảo hiểm thất nghiệp.
Bên cạch đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Thuận đã triển khai tốt các nhiệm vụ như: tăng cường đi công tác cơ sở nhằm khai thác chỗ việc làm trống, tư vấn nghề, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, tăng cường chiêu sinh, liên kết đào tạo các lớp nghề, tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, chính sách bảo hiểm thất nghiệp,…
Đánh giá nguyên nhân của thất nghiệp của người lao động, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận cho hay chủ yếu là do hết hạn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.
Ngành làm việc trước khi người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp chủ yếu là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (sản xuất trang phục, sản xuất giày, dép), ngành nông nghiệp (trồng cây cao su) và ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống...
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Thuận, trước đấy tình trạng đó là người sử dụng lao động nhận lao động vào làm việc nhưng trong quá trình thử việc không tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho họ. Thậm chí, người lao động mượn giấy tờ của người thân đi làm để trốn đóng bảo hiểm xã hội nhưng vẫn hưởng lợi chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên tình trạng này đã giảm, bởi các dữ liệu kết nối liên thông về bảo hiểm thất nghiệp chia sẻ qua trục tích hợp quốc gia, việc quản lý cũng như giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong tỉnh Bình Thuận cũng như toàn quốc ngày càng chặt chẽ, nhanh, gọn, chính xác…